Người dân cần thận trọng tái đàn trước giá lợn tăng cao

15:54 07-11-2019 | :1465

Laocaitv.vn - Sau một thời gian giá thịt lợn “lao đao” vì dịch tả lợn châu Phi, đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Mặc dù những tín hiệu vui này đã làm yên lòng nhiều người chăn nuôi, thế nhưng những băn khoăn về việc tái đàn thời điểm này hay chuyển hướng sang nuôi trồng cây con giống khác đang làm khá nhiều người dân lo lắng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Toàn, thôn Cánh Địa, là một trong số những hộ chăn nuôi lâu năm của xã Sơn Hải. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình ông cũng bị thiệt hại không nhỏ. Để ngăn ngừa mầm bệnh, hiện tại, gia đình ông Toàn thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý chuồng trại. Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi, nên ông Toàn khá là băn khoăn với 02 hướng đi là tái đàn để sản xuất tiếp, hoặc chuyển hẳn sang chăn nuôi gà thả đồi với nguy cơ về bệnh dịch ít hơn. Ông Toàn chia sẻ: “Tổn thất cho gia đình thì rất lớn, nhưng nhà nước đã vận động thì gia đình cũng chấp hành tiêu hủy đàn lợn để chuyển sang nuôi con khác. Nhưng bây giờ cũng chưa biết làm gì được, vẫn còn đang phải nghiên cứu, nuôi gà, vịt thì cũng hay bị chết lắm. Không chăn nuôi lợn thì bây giờ cũng không có tiền cho sinh hoạt hàng ngày”.

Xã Gia Phú chịu thiệt hại nặng trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua. (Ảnh minh họa)

Xã Gia Phú là địa phương chịu khá nhiều thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát vừa qua. Nếu như đầu năm số đầu lợn của địa phương này lên đến hơn 12.000 con, thì nay, số lợn đang được chăm sóc và phát triển chỉ còn hơn 2.500 con. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống, dập dịch, đến nay, xã đã không xuất hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh nào trên đàn lợn. Trong thời gian này, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã không nên vội tái đàn lợn, tập trung xử lý và đảm bảo chuồng trại sạch sẽ đáp ứng tốt các điều kiện chăn nuôi sau này. Hiện xã đang thử nghiệm mô hình kinh doanh trâu, bò vỗ béo ở một số thôn, bản trên địa bàn. Bước đầu, mô hình này đã được phần đông người dân đồng tình và ủng hộ, thị trường xuất bán cũng khá dễ. Đặc biệt là vòng quay sản xuất chỉ trong vài tháng vỗ béo, chăm sóc tốt trâu, bò là người dân có thể xuất bán, thu hồi vốn nhanh. Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: “Đối với tái đàn lợn ở xã Gia Phú thì đến nay để tái đàn thì nguồn giống trong nhân dân cũng không còn, những hộ còn thì họ để lại nuôi. Chúng tôi cũng khuyến cáo, người dân không nên tái đàn ồ ạt vào thời điểm này, hộ nào đủ điều kiện thì mới nên tái đàn và khi tái đàn thì không nên nhập lợn nơi khác về”.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời điểm này, dịch tả châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, hiện nay huyện Bảo Thắng đã có 06 xã là Gia Phú, Trì Quang, Tằng Loỏng, Xuân Giao, Phong Niên và thị trấn Phố Lu đã qua hơn 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo đủ điều kiện tái đàn. Trước các nguy cơ của bệnh dịch, huyện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác phòng, chống dịch. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát các xã còn dịch cũng như đã công bố hết dịch để tránh việc dịch bệnh bùng phát trở lại. Hiện giá thịt lợn hơi đã tăng cao trở lại, với giá dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, tuy vậy, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên vội tái đàn vào thời điểm này, bởi lẽ, việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc, phế phẩm nông nghiệp..., giữa các vùng với nhau rất dễ khiến cho dịch bệnh lây lan trở lại, khiến cho vốn đầu tư, công sức của người dân trở nên lãng phí. Vào thời điểm này, người dân cần thận trọng theo dõi tình hình dịch bệnh, không nên nôn nóng khôi phục đàn lợn, có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm, hoặc các loại đại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: “Nếu tái đàn thì cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi tái đàn, có nghĩa là khi chăn nuôi thì nên chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt quy tắc phòng, chống dịch”.

Gia đình anh Hoàng Hữu Thuyết, thị trấn Phố Lu chuyển sang chăn nuôi đại gia súc.

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, mầm bệnh do virus dễ phát tán và lây lan trong môi trường. Việc nóng vội tái đàn sẽ khiến người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là khó tránh khỏi ./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết