Những thanh niên nông thôn làm giàu ở quê hương

08:11 29-06-2020 | :1839

Laocaitv.vn - Kiên định theo con đường đã lựa chọn, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, luôn siêng năng, cần cù chịu khó, ham học hỏi…nhiều thanh niên nông thôn đã tự tay gây dựng cho mình cơ nghiệp khiến nhiều người nể phục. Họ là những tấm gương sáng về phát triển kinh tế ngay tại quê hương.

Mô hình chăn nuôi gia súc của anh Triệu Tiến Hồng cho thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng mỗi năm.

Tận dụng lợi thế của địa phương với nhiều đồi cỏ, thuận lợi cho việc chăn thả gia súc, năm 2012, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và của anh em bạn bè người thân, anh Triệu Tiến Hồng ở thôn Đoàn Kết, xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn đã đầu tư 60 triệu đồng để khởi nghiệp với 2 con trâu và 2 con bò. Chịu khó học hỏi kĩ thuật chăn nuôi gia súc, tiêm phòng bệnh đầy đủ, phòng chống rét và chuẩn bị thức ăn cho gia súc vào mùa đông nên đàn gia súc của anh Hồng phát triển tốt, tăng dần lên qua từng năm, thời điểm nhiều nhất, đàn gia súc của anh có gần 30 con, mang lại cho anh nguồn thu khoảng 60 - 70 triệu đồng mỗi năm.

Cùng với chăn nuôi gia súc, anh Hồng còn phát triển thêm mô hình chăn nuôi thủy sản. Mỗi năm, anh thả khoảng 2.000 con cá giống, thu về khoảng 7 - 8 tạ cá thương phẩm. Ngoài ra, anh còn xây dựng thêm mô hình trồng rừng với quy mô 2 ha gồm các loại: Quế, xoan lai, vầu. Với quyết tâm làm giàu của mình, anh Hồng chưa dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm, phát triển mô hình trồng rừng, để vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình và có thể tạo thêm việc làm cho đoàn viên, thanh niên trong thôn.

Mô hình nuôi thỏ của anh Triệu Văn Khách ở thôn Khe Thùng 2, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn.

Tại xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, mô hình nuôi thỏ của anh Triệu Văn Khách ở thôn Khe Thùng 2 là một điểm sáng trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương. Là một thanh niên nông thôn sinh ra trong một gia đình khó khăn, Khách không có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Quanh năm gắn bó với nương đồi vất vả mà cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, Khách luôn nung nấu phải tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Trong một lần tình cờ, anh được xem về một mô hình nuôi thỏ trên mạng, Khách thấy thú vị và anh bắt đầu tìm hiểu về loại vật nuôi này. Thời điểm cách đây 8 năm, thỏ là vật nuôi hoàn toàn mới tại xã Tân Thượng, vì vậy mà việc học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ của anh cũng không dễ dàng.

Khởi nghiệp từ 60 con thỏ bố mẹ, việc nuôi thỏ của anh Khách diễn ra thuận lợi trong thời gian đầu, khi đàn thỏ phát triển tốt, nhưng chỉ một thời gian sau, do chưa có kinh nghiệm nuôi, đàn thỏ của anh mắc bệnh và chết. Thất bại đầu tiên đã khiến anh Khách nản lòng và định từ bỏ công việc này.

Làm lại từ đầu, vừa nuôi vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm, anh Khách dần khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi thỏ, duy trì và phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, đàn thỏ của anh Khách có gần 600 con, trong đó là khoảng 100 cặp thỏ bố mẹ, còn lại là thỏ con và thỏ thương phẩm. Hàng tháng, anh Khách bán thỏ thịt và thỏ giống, mang lại thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng. Đây là thành quả không dễ gì có được sau 8 năm vật lộn với nghề của chàng thanh niên người Dao này. Đặc biệt, giờ đây, khi đã dày dạn kinh nghiệm nuôi thỏ, mỗi ngày, vợ chồng anh chỉ cần dành một khoảng thời gian nhất định vào mỗi buổi sáng, tối để chăm sóc thỏ, còn ban ngày vẫn có thể đi làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập.

Chăn nuôi là lĩnh vực không hề đơn giản, nhất là với những người trẻ, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn nóng vội, đặc biệt là trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe đàn vật nuôi. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, cần cù, chịu khó học hỏi và nghị lực vươn lên, nhiều thanh niên nông thôn đã thành công khi tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình của hai chàng trai người Dao Triệu Văn Khách và Triệu Tiến Hồng.

Nguyễn Huyền – Thanh Tùng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết