Những y bác sĩ làm công tác dự phòng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

10:30 13-02-2020 | :1984

Laocaitv.vn - Trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), ngoài những y bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thì những y bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vất vả không kém, khi họ cũng đi vào vùng dịch và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Vượt lên trên những khó khăn đặc thù, nguy cơ cao bị lây nhiễm nhiều mầm bệnh từ ổ dịch, những cán bộ y tế dự phòng vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động phòng, chống dịch là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Nghĩa là khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, dù ở bất cứ đâu, những y bác sĩ làm công tác dự phòng lập tức phải đến để tìm rõ căn nguyên. Họ là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát hiện dịch bệnh, vừa điều tra ca nghi nhiễm bệnh vừa điều tra những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh… Từ đó, tham mưu những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Công việc của họ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gian khổ và nguy hiểm… nếu không có sự tận tụy, lòng yêu nghề thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ ấy. “Kể từ khi có ca đầu tiên nghi mắc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, cán bộ của khoa làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, nhiều cán bộ đã phải gác lại việc gia đình, con cái để tập trung cho công việc”, bác sĩ Phạm Văn Chiến, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm chia sẻ.

Khoa Xét nghiệm những ngày này cũng vất vả không kém. Dụng cụ luôn sẵn sàng, chỉ cần có chỉ đạo lấy mẫu trường hợp bệnh nhân nghi mắc Covid-19 là không quản ngày, đêm, mưa gió, họ lại cùng với bộ phận chuyên môn đi điều tra, lấy mẫu và nhanh chóng chuyển ngay về Trung ương để làm xét nghiệm với mục đích duy nhất là làm thế nào có kết quả xét nghiệm chính xác nhất, phục vụ cho việc khẳng định tình trạng bệnh, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị có những quyết định, tham mưu hiệu quả cho công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, nguy hiểm hơn là phải tiếp xúc trực tiếp với những người có thể đã mang mầm bệnh để lấy mẫu, chỉ cần lơ là một chút thôi là nguy cơ lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình là rất lớn.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân. (Ảnh: Hồng Loan)

Thời gian qua, những chiếc máy phun thuốc khử khuẩn cũng là người bạn quen thuộc của các cán bộ làm công tác kiểm soát bệnh tật. Với tổng trọng lượng khoảng 25 kg, mỗi khi có dịch bệnh, họ phải di chuyển liên tục khắp các ngóc ngách, điểm công cộng khác nhau trên địa bàn tỉnh để phun khử khuẩn. Dù phải đối mặt với hoá chất, công việc khó khăn, nặng nhọc, xong ai cũng hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Y sĩ Trương Văn Nguyện, một thành viên trong đội phun khử khuẩn môi trường chia sẻ: “Đội cơ động trung bình mỗi ngày phun khử khuẩn từ 20 đến 30 lít hóa chất tại các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn nhiệt tình trong công việc và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để đẩy lùi dịch bệnh”. 

Kể từ khi thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, có nguy cơ xâm nhập qua biên giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm đã thành lập 5 tổ tham mưu, giúp việc và 4 đội phản ứng nhanh để thực hiện giám sát, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch; thực hiện thường trực chống dịch 24/24… sẵn sàng lên đường mỗi khi địa phương, đơn vị báo có ca bệnh nghi ngờ. Cùng với đó, công tác truyền thông cũng được chú trọng đặc biệt. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, theo dõi tình hình diễn biến mới nhất về dịch bệnh tại tỉnh, đưa ra những thông tin xác thực nhất, tránh làm dư luận hoang mang, đồng thời chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, giúp người dân có những kiến thức cơ bản về bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

 Đội phun khử khuẩn môi trường luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ sức khỏe cho mọi người. (Ảnh: Hồng Loan)

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chia sẻ: “Là đơn vị trực tiếp tham gia khám phân loại và lấy mẫu xét nghiệm những ca nghi ngờ cao, đội ngũ y bác sĩ làm công tác dự phòng đã không quản ngày đêm, mưa nắng, trong đó có rất nhiều đồng chí là nữ phải trực dịch 24/24. Sau khi làm nhiệm vụ bản thân những y bác sĩ này cũng phải cách ly tại chỗ, cách ly với gia đình trong điều kiện hết sức khó khăn. Vượt qua những nỗi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm, những y bác sĩ làm dự phòng vẫn lăn xả vào công việc, ngày đêm cùng các thầy thuốc chăm lo cho sức khỏe người bệnh, cũng như tìm mọi biện pháp để phòng, chống dịch được hiệu quả nhất”. Bác sỹ Sửu nhấn mạnh thêm: “Đó là sự hy sinh, sự cống hiến rất lớn trong đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng để tích cực chủ động trong phòng, chống dịch bệnh".

Chỉ có cùng các y bác sĩ lao vào các ổ dịch không kể đêm ngày và sự nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân trong những ngày diễn ra dịch mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Tuy vất vả như vậy, nhưng đội ngũ những người làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh luôn tận tụy, hết mình vì công việc, họ là những "chiến binh" quả cảm, nhiệt huyết - Tất cả vì sức khỏe của nhân dân.

Hồng Loan


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết