Laocaitv.vn - Với việc thay đổi tư duy từ phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, đầu tư bài bản và khoa học, nhiều bà con người dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh đã có cuộc sống khấm khá hơn; đồng thời tạo động lực và dẫn dắt cộng đồng cùng làm theo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương. Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của anh Vàng Seo Pao, dân tộc Mông ở thôn Thác Dây, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn là một trong những điển hình như vậy.
Đàn lợn nái 5 con, hàng chục con lợn sữa và 15 con lợn thịt đang chuẩn bị được xuất bán vào đúng dịp Tết là minh chứng khẳng định thành công của anh Giàng Seo Pao sau 2 năm mạnh dạn thay đổi tư duy và học hỏi kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm theo hướng hàng hóa. Cũng từ mô hình kinh tế, gia đình anh Pao đã có "của ăn, của để".
Anh Vàng Seo Pao, thôn Thác Dây, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Xây được nhà, mua được xe và có tiền cho các con đi học. Từ khi chăn nuôi lợn, tôi thấy kinh tế gia đình ổn định hơn, phát triển hơn so với việc trồng ngô, lúa”.
Anh Vàng Seo Pao, thôn Thác Dây, xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn (áo đen).
Để chăn nuôi lợn thương phẩm, cùng với chủ động nguồn giống tại chỗ, anh Pao đầu tư làm chuồng trại, chú ý vệ sinh môi trường, thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn đúng quy định. Đàn lợn nái mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 9 – 13 con. Sau 4 đến 5 tháng nuôi có thể bán thành phẩm với giá khoảng 65.000 – 70.000/kg lợn hơi. Trung bình mỗi năm trừ chi phí gia đình thu về cả trăm triệu đồng. Đây cũng là mô hình được xã khuyến khích nhân rộng.
Nói về mô hình chăn nuôi của gia đình anh Pao, Anh Vù Seo Sùng, thôn Thác Dây, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Mô hình nuôi lợn của gia đình mang lại năng suất cao. Đồng chí Pao cũng rất chịu khó, dần dần kinh tế phát triển, làm được nhà cửa, bà con thôn bản cũng noi gương và làm theo”.
“Mô hình nuôi lợn là mô hình phát triển tạo ra thu nhập. Trong thời gian tới, từ mô hình của anh Giàng Seo Pao, chúng tôi sẽ chỉ đạo và nhân rộng, để làm sao tạo ra thu nhập cho người dân”, anh Lương Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn cho biết.
Anh Pao đầu tư làm chuồng trại, chú ý vệ sinh môi trường.
Xã Sơn Thủy hiện có khoảng 2.900 đàn gia súc, gia cầm. Từ phát triển chăn nuôi kết hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, kết thúc năm 2024 toàn xã chỉ còn 160 hộ nghèo, cận nghèo, giảm 89 hộ so với năm 2023. Tạo động lực để xã tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa, phấn đấu có thêm 90 hộ thoát nghèo trong năm nay.
Tráng Chủ – Ngọc Minh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết