Bảo tàng tỉnh Lào Cai - điểm đến lý tưởng cho người yêu lịch sử

09:23 29-06-2019 | :4471

Laocaitv.vn - Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng tỉnh Lào Cai không chỉ là nơi sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc của tỉnh.

Nhiều hiện vật, tư liệu quý được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Xác định việc có nhiều tư liệu, hiện vật phong phú sẽ là tiền đề quan trọng để tổ chức các cuộc trưng bày theo chuyên đề, từ đó tạo thành những điểm nhấn thu hút khách, Ban Giám đốc Bảo tàng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động Cuộc vận động “Hiến tặng tư liệu, hiện vật trưng bày cho Bảo Tàng tỉnh Lào Cai”. Từ cuộc vận động này, đã có rất nhiều tư liệu, hiện vật trên các lĩnh vực được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao tặng; trong đó có nhiều tư liệu quý như: Bộ bàn ghế của Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng trong những ngày đầu tái lập; chậu đồng, đồ dùng sinh hoạt của dòng họ đã trải qua 4 thế hệ được trang trí hoa văn nhiều loại, do ông Đàm Đắc Hồng, tổ dân phố số 4, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng trao tặng; bộ y phục truyền thống của phụ nữ Mông trắng do chị Ly Thị Chi, thôn Hồ Sáo Chải, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai tặng… hay ông Mai Hữu Đức tổ 39, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, đã hiến tặng 6 tư liệu, hiện vật lịch sử quý của gia đình, trong đó có chiếc đĩa sứ từ thời nhà Thanh (Trung Quốc) được rất nhiều người sưu tầm cổ vật trong và ngoài tỉnh đến hỏi mua và trả giá rất cao. Ông Đức bày tỏ: “Một số người muốn tôi nhượng lại cái đĩa sứ từ thời nhà Thanh và trả giá rất cao nhưng tôi không bán. Tôi thấy việc đưa các hiện vật vào Bảo tàng để trưng bày sẽ ý nghĩa hơn vì nó giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử. Ngoài ra, tôi cũng vận động những người thân trong gia đình mang tặng Bảo tàng bộ ghế lát từ những năm 1970".

Cùng với đó, cán bộ, viên chức của Bảo tàng đã tích cực thực hiện và phối hợp triển khai các cuộc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, hiện vật trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần làm phong phú thêm cho kho tư liệu, hiện vật phục vụ các hoạt động trưng bày. Điển hình như, từ ngày 3 – 9/5/2018, Bảo tàng tỉnh và chuyên gia thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành khảo sát, đào thám sát tại một số di chỉ trên địa bàn tỉnh. Kết quả ban đầu xác định những di chỉ, hiện vật  được phát hiện có giá trị quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa như: Tại Di chỉ Mường Đơ (xã Bản Vược, huyện Bát Xát) đã phát hiện trống nồi, bên trong chứa 4 rìu đồng, bước đầu xác định đây là mộ táng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.000 đến 2.500 năm; Di chỉ Ngòi Nhù (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) là địa điểm phát hiện nhiều hiện vật nhất về văn hóa Sơn Vi (đồ đá cũ), văn hóa Hòa Bình (đồ đá mới) cách đây từ 10.000 - 20.000 năm và văn hóa Đông Sơn…

Bảo tàng tỉnh đang bảo quản gần 14.800 hiện vật.

Với sự cố gắng của đơn vị cùng sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang bảo quản gần 14.800 hiện vật; trong đó, nhiều hiện vật có giá trị cao trên các mặt: Lịch sử, văn hóa và khoa học; đặc biệt, có một số hiện vật quý, độc bản đã trình hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia như Lôi đồng (niên đại trên 2.200 năm) và Tượng thần Natajara múa (khoảng thế kỷ 18). Cùng với sự phát triển chung, đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng đã không ngừng đổi mới phương thức thuyết minh giúp nhân dân và du khách hiểu hơn về các hoạt động trưng bày; giá trị, ý nghĩa của các tư liệu, hiện vật. Chị Trần Minh Trang, thuyết minh viên Bảo tàng cho biết: “Bản thân tôi mỗi khi dẫn đoàn đến tham quan, khi được thuyết minh và kể về những hiện vật, nhất là những hiện vật đặc biệt tôi đều cảm thấy vô cùng xúc động, những cảm xúc ùa về khiến tôi càng thêm yêu nghề hơn”.

Với những đổi mới và sáng tạo, sau gần 3 năm chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng, Bảo tàng tỉnh đã đón trên 25.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Sự phong phú về tư liệu và hiện vật giúp đơn vị thực hiện thành công nhiều cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề ý nghĩa như: Sắc màu Tây Bắc; Lào Cai 110 năm hình thành và Phát triển; Đảng bộ Lào Cai 70 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang; Địa giới Lào Cai - những dấu mốc lịch sử; Khám phá Việt; Ký ức thời bao cấp… Chị Chu Thị Thanh Hòa, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Đến với Bảo tàng tôi thấy rất vui vì được tham quan, khám phá rất nhiều về văn hóa lịch sử truyền thống. Thời gian tới, tôi có ý định sẽ đưa học sinh đến đây để tham quan, trải nghiệm giúp các cháu có thêm hiểu biết, kỹ năng và thêm yêu lịch sử hơn”.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của thiết chế bảo tàng, hy vọng rằng thời gian tới kho tư liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục phong phú, đa dạng và ngày càng nhiều hơn bởi sự chung tay, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân... Từ đó, giúp đơn vị đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, triển lãm, để nhân dân và du khách vừa có thể nghiên cứu, học tập, vừa trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống, lịch sử tự nhiên cũng như xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết