Bảo tồn sáo mũi của đồng bào Xa Phó

09:55 27-11-2024 | :44

Laocaitv.vn - Dân tộc Xa Phó ở Lào Cai hiện chỉ còn vài nghìn người, sống thành làng xen kẽ với các dân tộc Tày, Giáy. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, người Xa Phó vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú, trong đó có nhạc cụ truyền thống là sáo mũi. Phóng sự sau, mời quý vị cùng đến với xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn để tìm hiểu cách mà người Xa Phó nơi đây giữ gìn nghệ thuật sáo mũi.

Sáo mũi là nhạc cụ truyền thống sử dụng trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Xa Phó. 

Mỗi khi rảnh rỗi, chị Hoàng Thị Quê lại tập hợp các chị em trong thôn Ta Khuấn quây cùng tập thổi sáo mũi và truyền dạy cho con em mình. Đây không chỉ là nhạc cụ truyền thống sử dụng trong sinh hoạt văn hóa, mà còn là tiếng lòng của phụ nữ dân tộc Xa Phó. Qua tiếng sáo, chị em muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm, tình yêu gia đình, biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ. Chị Hoàng Thị Quê, thôn Ta Khuấn, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Bây giờ ít người biết thổi sáo này lắm, lớp trẻ thì mải làm ăn rồi học theo cái mới thôi. Tôi sợ mai kia không còn ai biết thổi và làm loại sáo này nữa nên tôi đang cố gắng truyền lại cho ai yêu thích cây sáo này".

Em Nông Thị Oanh, thôn Ta Khuấn, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn cho biết: "Cháu cũng muốn học theo để sau này tự biết cách làm sáo mũi để truyền thống không bị mai một". 

Phụ nữ Xa Phó không những chăm chỉ lao động, sản xuất mà còn có khả năng cảm thụ âm nhạc cũng như khéo léo chế tác, diễn tấu nhiều nhạc cụ từ tre, nứa. Trong đó, nhạc cụ truyền thống sáo mũi đã được gìn giữ, lưu truyền, trở thành bản sắc văn hóa đẹp của bà con nơi đây. Hiện, xã Sơn Thủy đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này. Chị Lự Thị Đông, thôn Ta Khuấn, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Luôn khích lệ chị em tham gia các hoạt động, như thổi sáo, ném còn để thúc đẩy cho bà con tham gia nhiệt tình hơn, bà con biết bài thổi sáo mũi này có ý nghĩa như thế nào".

Sáo mũi được gìn giữ, lưu truyền, trở thành bản sắc văn hóa đẹp của bà con thôn Láo Lý.

Ông Lương Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn cho biết: "Tìm ra những nghệ nhân, những người hiện nay đang biết sử dụng sáo mũi này để truyền lại cho các thế hệ, đặc biệt là các em học sinh, các cháu thiếu nhi và các đoàn viên thanh niên, để làm sao duy trì sáo mũi trên địa bàn".

Nghệ thuật chế tác và thổi sáo bằng mũi thể hiện bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần phong phú của đồng bào Xa Phó. Vậy nên, sáo mũi đã trở thành niềm tự hào của bà con và đang được lưu truyền qua nhiều thế hệ./.

       Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết