Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

05:52 08-06-2019 | :1060

Laocaitv.vn - Những năm qua, các di sản văn hóa của Lào Cai đã được bảo tồn, phát huy, thực sự trở thành “tài sản” mang lại hiệu quả thiết thực trong mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thực hiện Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020”, trong năm 2019 nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gắn với phát triển du lịch. Toàn toàn tỉnh đã thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc địa phương tại 500 làng; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người đối với các nhóm có nguy cơ mai một cao, gồm các dân tộc: Bố Y, Xá Phó, Phù Lá, Pa Dí, Hà Nhì....; phục dựng và lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến nay, Lào Cai là một trong những tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 26 di sản văn hóa phi vật thể  cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 45 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa đều được trùng tu, tôn tạo đúng theo quy định, trở thành điểm tham quan nổi tiếng của cả nước, như: Cụm di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An; cụm di tích Đền Thượng - Đền Mẫu - Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai).

Việc bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhiều chương trình đã được triển khai hiệu quả như chương trình “Biến di sản thành tài sản”; “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hóa”. Các di sản văn hóa giờ đã trở thành tài sản, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết