Để nghề truyền thống phát triển cùng du lịch

14:21 10-06-2022 | :506

Laocaitv.vn - Toàn tỉnh hiện có 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống, 17 nghề truyền thống được công nhận. Việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống được tỉnh Lào Cai chú trọng. Vậy làm thế nào để vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa giúp người dân vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ nghề truyền thống là vấn đề cần được quan tâm. 

Nghề chạm bạc mang đến cho gia đình anh Lìn nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Hai vợ chồng anh Tẩn Phù Lìn, thôn Nậm Giàng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát đã theo đuổi nghề chạm bạc từ nhiều năm nay. Không chỉ để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông để lại, nghề chạm bạc còn mang đến cho gia đình anh Lìn một nguồn thu tương đối ổn định, đủ nuôi con cái học hành. Anh Tẩn Phù Lìn chia sẻ: "Nếu tôi làm những cái vòng bạc to thì được nhiều tiền hơn. Cứ khoảng được hơn 6 triệu đồng/tháng. Bây giờ có cái máy này thì làm cũng đỡ hơn rồi".

Nghề chạm bạc ở Dền Sáng mới được khôi phục trở lại trong vài năm trở lại đây. Hiện toàn xã chỉ có 5 hộ tham gia chế tác bạc. Bạc Dền Sáng làm ra có những nét tinh xảo và bản sắc riêng, vì thế, được thị trường yêu thích. Bà con Nhân dân cũng đã quan tâm đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Chị Lý Tả Mẩy, thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát chia sẻ: "Nhà tôi làm được vòng cô dâu, làm được cũ áo của chị em phụ nữ, vòng cổ, đây là những thứ không thể thiếu trong trang sức của người dân tộc Dao".

Khách du lịch rất thích các sản phẩm thêu thổ cẩm của Sa Pa.

Cùng với nghề chạm bạc của Bát Xát, các nghề truyền thống như nghề rèn, nấu rượu, mây tre đan... tại nhiều địa phương cũng đang từng bước được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là một tiềm năng du lịch đang được khai thác hiệu quả, tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm tại Sa Pa. Ngày nay, thổ cẩm không chỉ hiện diện trên váy, trên áo của bà con người Mông, người Dao, người Xa Phó… mà còn theo chân các bà, các mẹ xuống chợ, đến với du khách gần xa. Chị Sùng Thị Lan, thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Trước kia thổ cẩm chỉ dùng để mặc, nhưng chúng tôi mua về nhuộm, làm thành những đồ lưu niệm, để bán cho du khách. Đó cũng là cách mà chúng tôi bảo tồn văn hóa của dân tộc mình".

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: "Có những nghề như chạm khắc bạc, nghề làm trống đã tạo thành các điểm hút khách du lịch. Hay như nghề thêu truyền thống cũng đã tạo ra được những sản phẩm như váy áo, vòng cổ, vòng tay để bán cho khách du lịch, từ đó tăng thêm thu nhập".

Du lịch làng nghề hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá bản sắc văn hoá của các dân tộc Lào Cai. Tuy nhiên, để du lịch làng nghề thực sự hấp dẫn được du khách, bản thân các làng nghề phải tăng nội lực bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm, chú trọng đến bảo vệ môi trường. Đồng thời ngành Văn hóa, du lịch tại các địa phương có làng nghề cần tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của du lịch để giúp làng nghề phát triển bền vững.

 Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết