Độc đáo sắc màu các loài cây ôn đới tại Sa Pa

15:48 06-06-2022 | :1669

Laocaitv.vn - Khai thác thế mạnh khí hậu đặc thù của vùng cao Lào Cai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới thuộc Viện Khoa học kỹ  thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tại thị xã Sa Pa đã thành công trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài cây, hoa ôn đới. Kết quả nghiên cứu, phát triển của Trung tâm góp phần để tỉnh Lào Cai có được những sản phẩm nông sản đặc hữu, giá trị kinh tế cao.

Hàng nghìn bông cẩm tú cầu rực rỡ khoe sắc dưới tán cây mận, lê trĩu quả (ảnh trên). Du khách ghé thăm nơi đây như được lạc vào những khu vườn hoa trái của xứ ôn đới. Anh Nguyễn Trọng Khôi, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ cho biết: "Tôi thấy mận ở đây có vị rất đặc trưng, khung cảnh ở đây rất hợp với du khách thích trải nghiệm, tham quan vườn cây ăn quả". 

Đứng chân trên địa bàn tổ 1, phường Sa Pả, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây ôn đới hiện đang duy trì, bảo tồn nguồn quỹ gen của trên 25 giống mận, lê, kiwi, đào, hồng và gần 20 loài hoa. Trong đó có những giống cây đặc sắc nhập từ Pháp, Mỹ, Úc. Được trồng tại Trung tâm, những giống cây nhập ngoại cho kết quả khả quan với hương vị thơm ngon và hình thức đẹp, rất phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh. Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cũng được trung tâm chú trọng triển khai để giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân đến tham quan, trải nghiệm. Ông Hà Mạnh Phong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới cho biết: "Chúng tôi có vườn quỹ gen lưu giữ bảo tồn rất nhiều giống cây ôn đới như mận, lê... Chất lượng các giống cây này rất tốt. Chúng tôi đang mở rộng sản xuất thuộc các nhóm nhập nội, trong đó có giống nhập từ Pháp, Mỹ".

Giống cây nhập ngoại trồng tại Sa Pa rất phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh.

Khai thác những lợi thế của các tiểu vùng khí hậu, đặc biệt là khí hậu ôn đới, tỉnh Lào Cai đang tập trung phát triển các cây trồng đặc hữu để đáp ứng nhu cầu nguồn cây giống chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. 

Phạm Quỳnh - Hoàng Luyến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết