Du lịch hồi sinh nghề truyền thống

10:46 04-05-2024 | :125

Laocaitv.vn - Trong dòng chảy của cuộc sống, hàng hóa công nghiệp lên ngôi tưởng chừng thay thế hoàn toàn sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng qua thời gian đã cho thấy con người đều có nhu cầu trở về, sống, sinh hoạt gần gũi với thiên nhiên. Theo đó, sản phẩm thủ công truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định. Phóng sự thực hiện tại huyện Bảo Yên, địa phương đang thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch làm hồi sinh nghề truyền thống.

Hiện nay, Nghĩa Đô đã thành lập được 1 hợp tác xã đan lát.

Đến với xã Nghĩa Đô đúng dịp địa phương này tổ chức cuộc thi làm sản phẩm thủ công truyền thống, chị Nguyễn Thu Thủy ở thành phố Lào Cai vô cùng thích thú khi được chứng kiến bà con làm ra những sản phẩm thủ công bắt mắt được làm từ thân cây tre, cây nứa. "Các sản phẩm đan lát của bà con tuyệt vời, khéo tay vô cùng và tỉ mỉ, có cả những cái túi hay rổ, rá. Bà con Nghĩa Đô hướng đến những sản phẩm gần gũi với môi trường, rất tốt để mọi người cùng mua và làm quà tặng cho gia đình mình khi đến với Nghĩa Đô", chị Nguyễn Thu Thủy, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai chia sẻ.

Du khách tới đây không chỉ tham quan, chụp hình lưu niệm các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn tận mắt chứng kiến các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật, kỹ năng làm ra sản phẩm. "Trước đây thì hoa văn không đa dạng như bây giờ, tôi vừa học vừa sáng tạo ra những hoa văn bắt mắt như thế này. Sản phẩm chúng tôi làm ra, du khách rất ưa chuộng và mua về làm quà vì cái này thân thiện với môi trường. Tôi làm như thế này, thứ nhất là tạo công ăn việc làm cho chị em lúc nông nhàn, thứ hai là tăng thu nhập cho gia đình. Tôi cũng mong muốn sẽ nhân rộng ra, dạy cho các cháu học theo nghề của chúng tôi", bà Ma Thị Tắt, thôn Nà Khương, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết.

Còn chị Vàng Thị Hình, bản Nà Pồng, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên thì hào hứng chia sẻ: "Tôi rất vui và tự hào vì mình có thể làm ra một sản phẩm như này, rất vui khi du khách biết đến và rất thích sản phẩm. Tôi mong rằng trong tương lai, những thế hệ trẻ như chúng tôi sẽ tiếp nối và những sản phẩm này được lưu truyền, không bị mai một".

Bà con địa phương được hỗ trợ đào tạo nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Nhằm tạo thêm các mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, huyện Bảo Yên đã hỗ trợ đào tạo nghề, đồng thời, bố trí nhiều không gian quảng bá rộng rãi nghề truyền thống đến du khách. "Người Tày xưa nay đã có nền tảng là nghề đan lát và đặc biệt nhất là chương trình trải nghiệm đan lát. Hiện nay xã đã thành lập được 1 hợp tác xã đan lát. Các nghệ nhân cũng truyền dạy cho con cháu để lớp trẻ biết nghề thủ công truyền thống", ông Lương Cao Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên nói.

Nhờ sự gắn kết du lịch với nghề thủ công truyền thống, bà con nơi đây đã thật sự yên tâm giữ nghề ngay trên chính mảnh đất quê hương. Những miền quê xanh - sạch - đẹp, phát huy tốt nghề truyền thống đã và đang là điểm đến của du khách muôn phương.

Thùy Anh – Đình Hiếu – Lâm Thi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết