Laocaitv.vn - Mùa thu đến, khi những ruộng lúa chín vàng cũng là lúc đồng bào Tày ở Bắc Hà bước vào mùa làm cốm mới. Giờ đây, sản phẩm cốm không chỉ dừng lại ở một nghi lễ mừng cơm mới mà đã từng bước trở thành hàng hóa, được thị trường ưa chuộng bởi hương vị độc đáo và là món quà không thể thiếu của nhiều du khách khi đến với vùng cao Bắc Hà.
Những hạt cốm dẻo, màu xanh hấp dẫn, hương vị độc đáo tạo thêm sự phong phú trong chuỗi các sản phẩm du lịch nơi cao nguyên trắng Bắc Hà.
Trước đây, để mừng cho thành quả của những tháng ngày một nắng hai sương vất vả, đón một mùa vụ bội thu, đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Hà thường tổ chức lễ ăn mừng cơm mới. Cũng vì thế, cốm ra đời để làm món ăn trong lễ cúng… Thế nhưng ngày nay, món ăn truyền thống này đang trở thành thứ quà hấp dẫn du khách mỗi khi đến vùng cao Bắc Hà vào tiết trời thu chớm lạnh. Theo bà con người Tày ở Bắc Hà, để làm được một mẻ cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn, song việc đầu tiên là chọn lúa làm cốm có vai trò quan trọng. Thông thường, lúa làm cốm thường là nếp nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa. Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa chín hết, như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.
Để có một mẻ cốm thơm ngon thì công đoạn chọn lúa có vai trò rất quan trọng.
Hầu hết các gia đình đồng bào Tày ở Bắc Hà đều làm cốm để thực hiện nghi lễ mừng cơm mới, song làm cốm nhiều và cung cấp ra thị trường chủ yếu tập trung ở một số thôn như Na Hô, Na Lo, Na Lang… của xã Tà Chải. Thông thường mùa cốm ở Bắc Hà diễn ra trong khoảng hơn 2 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 8 đến khoảng trung tuần tháng 10 hàng năm. Tại thôn Na Lo – nơi có nhiều hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng thì mùa làm cốm ở đây diễn ra khá nhộn nhịp. Theo tính toán, có đến 30% tổng số hộ trong thôn làm cốm để cung cấp ra thị trường với sản lượng lên đến vài tấn mỗi mùa. Làm cốm ở đây không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân mà còn tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách tới thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm làm cốm cùng người nông dân địa phương.
Cốm được bày bán nhiều tại khu vực trung tâm huyện Bắc Hà.
Hiện nay, tại khu vực trung tâm huyện, sản phẩm cốm truyền thống của đồng bào Tày Bắc Hà ngày nào cũng được bày bán. Song tập trung nhiều nhất vào dịp cuối tuần để phục vụ khách du lịch. Giá cốm trung bình hiện vào khoảng 120.000đ/kg, được bày bán tương đối nhiều, đáp ứng đủ nhu cầu của du khách cũng như người dân địa phương. Cốm ở Bắc Hà thường được làm theo phương pháp truyền thống nên hạt cốm dẻo, màu xanh tự nhiên và đặc biệt là có hương thơm độc đáo. Cùng với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng cao, giờ đây cốm đã trở thành một mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch tại địa phương.
Từ bàn tay khéo léo của người nông dân, những hạt cốm dẻo, thơm đã thực sự tạo nên một món ăn hấp dẫn, tạo thêm sự phong phú trong chuỗi các sản phẩm du lịch nơi cao nguyên trắng Bắc Hà./.
Ngọc Thủy
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết