Người Mông Sa Pa giữ nghề làm giấy dó

17:11 19-08-2023 | :318

Laocaitv.vn - Với đồng bào Mông, giấy dó được sử dụng trong các dịp đặc biệt như ngày Tết, cúng tổ tiên, các nghi thức lễ tế, đám ma… Bởi theo quan niệm, giấy dó là phương thức để gắn kết giữa người sống và người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Mặc dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, nhưng nghề làm giấy dó của người Mông ở nhiều nơi đang dần mai một. Tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, bà con đang nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống này.

Tre, vầu là nguyên liệu để bà con người Mông Nậm Than làm giấy dó.

Rừng tre, vầu cuối thôn là nơi cung cấp nguyên liệu để bà con người Mông Nậm Than làm giấy dó. Thời gian rảnh, anh Vàng A Chỉnh sẽ vào rừng, lựa chọn cẩn thận từng cây tre bánh tẻ, chặt đoạn gọn gàng mang về nhà. Cũng phải qua nhiều khâu rất công phu mới có thể sơ chế xong nguyên liệu để làm nên thứ giấy đặc biệt này. Anh Vàng A Chỉnh, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Cây già quá hay non quá đều không làm được, mình chọn những cây bánh tẻ, chặt các đốt, các khấc đều nhau. Những cây vầu, cây tre khi tỉa thì mình chỉ tỉa thưa thôi, nếu không tỉa đi thì cây non cũng sẽ không mọc, tỉa đi rồi cây non khác sẽ lại mọc lên".

Tre, nứa sau khi luộc kỹ được ngâm ủ 7 ngày, mang ra đập tơi, lọc lấy bột giấy, trộn với 1 thứ keo đặc biệt từ cây rừng.

Ngôi nhà nhỏ của bà Vù Thị Súa thường là nơi tập trung làm giấy dó của cả thôn. Tre, nứa sau khi luộc kĩ được ngâm ủ 7 ngày, mang ra đập tơi, lọc lấy bột giấy, trộn với 1 thứ keo đặc biệt từ cây rừng. Khuôn giấy có nhiều kích thước to nhỏ khác nhau, thường có hình chữ nhật, mặt khuôn được căng bằng vải màn mỏng, kẹp bằng 4 thanh gỗ chắc chắn. Rất khéo léo, các bà, các chị rải từ từ bột giấy lên mặt khuôn, cán phẳng cho bột giấy bám đều rồi mang phơi nhiều giờ dưới ánh nắng, từng tấm giấy sẽ hình thành. Bà Vù Thị Súa, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa nói: “Lúc mình rải trên cái bạt là khó nhất, vì rải không được đều và làm chậm. Chỉ đi chặt cây về buộc lại và đem đi luộc là dễ, nấu 1 lần thì phải ủ 7 ngày mới thành”.

Các bà, các chị khéo léo rải từ từ bột giấy lên mặt khuôn, cán phẳng cho bột giấy bám đều rồi mang phơi.

Mỗi tấm giấy dó lớn như thế này bán được 20.000 đồng - 50.000 đồng, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của bà con trong xã. Những bậc cao niên ở Nậm Than mong muốn qua những buổi quây quần làm giấy như thế này, thế hệ trẻ sẽ hiểu thêm và yêu hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. “Nếu có ai mua thì mình sẽ bán, không thì mình để dùng khi cúng. Cũng muốn dạy cho con cháu biết đến nghề này”, bà Giàng Thị Ké, thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa tâm sự.

Với đồng bào Mông, giấy dó được sử dụng trong các dịp đặc biệt như ngày Tết, cúng tổ tiên, các nghi thức lễ tế...

Với sự phát triển của du lịch cộng đồng, nghề làm giấy dó ở Nậm Than còn được biết đến như một trải nghiệm thú vị khi du khách đến với bản Mông này. Đây cũng là cách để bà con người Mông lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình trong đời sống hiện đại.

 Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết