Người tâm huyết giữ gìn ngôn ngữ dân tộc Mông

18:12 29-05-2023 | :803

Laocaitv.vn - Xuất phát từ tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc Mông và mong muốn giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến mọi người, cô giáo Hoàng Thị Chư - giáo viên dạy tiếng Mông cùng với các đồng nghiệp của mình dành nhiều tâm huyết để đưa tiếng nói, chữ viết của người Mông trở nên phổ biến và thông dụng hơn.

Thời điểm này, cô giáo Hoàng Thị Chư đang tập trung cùng nhóm tác giả hoàn thiện chương trình lớp 4 trong bộ sách giáo khoa tiếng Mông từ lớp 1 đến lớp 5 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, dự kiến sẽ chính thức phát hành năm 2024. Với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy tiếng Mông, chị đã có nhiều đóng góp hiệu quả để hoàn thiện bộ sách, được hội đồng biên tập sách đánh giá cao.

Ông Giàng A Pao, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 4, thành phố Lào Cai, Chủ biên chương trình sách giáo khoa tiếng Mông cho biết: "Cô Chư là một người tiếp thu tiếng nói và chữ viết người Mông rất nhanh. Trong số tác giả tham gia biên soạn bộ sách, cô Chư là thành viên rất tích cực, hỗ trợ đắc lực cho tôi vì tôi là chủ biên của cuốn sách đó".

Cô giáo Hoàng Thị Chư dành nhiều tâm huyết để đưa tiếng nói, chữ viết của người Mông trở nên thông dụng hơn.

Là người con của dân tộc Mông, chị Hoàng Thị Chư rất yêu nét đẹp văn hóa của đồng bào mình và mong muốn được giới thiệu nét đẹp đó tới mọi người. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã theo học các khóa đào tạo về tiếng Mông ở tỉnh. Tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 2012, chị chính thức trở thành giáo viên của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai, phụ trách giảng dạy tiếng nói và chữ viết người Mông.

Chị Hoàng Thị Chư chia sẻ: "Học viên của tôi là các cán bộ công chức, viên chức các sở ngành. Và rất vui khi học xong mọi người có thể giao tiếp với người Mông, hiểu được nhiều nét văn hóa của người Mông, từ đó có nhiều thuận lợi trong quá trình công tác của mình".

Ông Đỗ Hải Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Theo như chúng tôi đánh giá, đây là cơ sở đào tạo tiếng Mông có chất lượng và uy tín nhất hiện nay. Chúng tôi có đội ngũ giáo viên, cộng tác viên đảm bảo chất lượng và điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo về việc giảng dạy tiếng Mông".

Học và viết tiếng Mông không dễ, nhưng qua cách dạy sinh động, dễ hiểu của các giảng viên như cô giáo Chư, nhiều học viên đã có thể nói và viết thành thạo, hiểu được nhiều nét văn hóa trong cuộc sống của đồng bào người Mông. Qua đó, giúp cho quá trình công tác, làm việc tại vùng cao trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn.

Thanh Tùng - Lâm Thi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết