Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống
15:29 05-02-2025
| :35
Laocaitv.vn - Với đa phần người dân cư trú là đồng bào 5 dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó, Sa Pa còn gìn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống. Để biến “di sản thành tài sản”, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người làm du lịch Sa Pa đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh này để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Am hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc Giáy, cuối năm 2024, gia đình bà Lý được Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa hỗ trợ kinh phí hình thành không gian thực hành văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Giáy tại gia đình. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm không gian văn hóa Then và trải nghiệm nghề làm hương độc đáo của người Giáy.
Gia đình bà Lý được Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa hỗ trợ kinh phí hình thành không gian thực hành văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Giáy tại gia đình.
Bà Nông Thị Lý, thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Từ khi mở không gian văn hóa thì cũng đón nhiều đoàn du khách, được thỏa thích trải nghiệm nên họ rất vui. Gia đình cũng giữ được nếp sống, sinh hoạt theo truyền thống người Giáy”.
Tại điểm du lịch Cát Cát, bản sắc văn hóa Mông đã được khai thác, tái hiện lại gần như nguyên vẹn thông qua các công trình kiến trúc cầu, đường, nhà trình tường, nhà truyền thống, trình diễn làng nghề và các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ... Qua đó, thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của du khách.
Tại điểm du lịch Cát Cát, bản sắc văn hóa Mông được khai thác, tái hiện lại gần như nguyên vẹn.
Chị Đồng Thị Hải Linh, du khách đến từ tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Em thấy ở đây rất yên bình, không gian văn hóa với nhiều làng nghề truyền thống, em được tìm hiểu thì thấy rất thú vị”.
Em Sùng Thị Pla, thôn Ý Lình Hồ, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa nói: “Thứ 7, Chủ nhật được nghỉ học em theo mẹ xuống đây giúp mẹ lăn đá, thêu. Đây là những công đoạn làm ra áo của người Mông, em thấy rất vui”.
Để biến “di sản thành tài sản”, ngành Văn hóa Sa Pa đang nỗ lực hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như: cung đường di sản văn hóa Dao tại xã Tả Phìn, không gian văn hóa Giáy ở xã Tả Van... Sa Pa cũng đang đẩy mạnh truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ, tạo lớp kế cận cho tương lai (ảnh dưới).
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: “Chúng tôi dạy trò chơi, trò diễn dân gian cho học sinh Trường Tiểu học & THCS Tả Van, dạy hát then cho Trường Tiểu học & THCS Mường Bo, dạy múa khèn Mông cho Trường THCS Phan Si Păng. Các em tiếp thu nhanh, hào hứng khi được truyền dạy các di sản văn hóa đó”.
Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sa Pa đón 165.000 lượt du khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 590 tỷ đồng. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của du lịch cộng đồng Sa Pa, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời tạo tiền đề giúp địa phương hoàn thành mục tiêu đón 5,8 triệu lượt khách trong năm nay.
Vân Anh – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết