Laocaitv.vn - Ngày 9/2 (tức mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019), xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng thác Đầu Nhuần là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và công bố phạm vi khoanh vùng bảo vệ của di tích.
Laocaitv.vn - Ngày 9/2 (tức mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019), xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng thác Đầu Nhuần là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và công bố phạm vi khoanh vùng bảo vệ của di tích.
Thác Đầu Nhuần là tên gọi được đặt theo tên địa danh thôn Đầu Nhuần - nơi di tích tọa lạc, có từ khoảng những năm 1961-1963. Nguồn gốc tên gọi Đầu Nhuần được gọi theo tên làng Nhuần của người Tày ở vùng trung và hạ lưu suối Nhuần. Vị trí thôn nằm ở phần thượng nguồn suối Nhuần nên được gọi là Đầu Nhuần. Trong lịch sử Đảng bộ xã Phú Nhuận có ghi: Cách đây khoảng hơn 150 năm, có 6 hộ người Tày di cư từ phía Bắc về lập làng gọi tên tiếng Tày là Bản Nhùn, sau này là làng Nhuần. Do đó, về mặt lịch sử nguồn gốc tên gọi của di tích có từ khá lâu và gắn liền với các mốc son lịch sử của vùng đất anh hùng này. Người Dao gọi thôn Đầu Nhuần là “Bàn Nghìn”, ý chỉ đây là nơi vùng sâu vùng xa, ở trên cao, gần rừng tức là nơi đầu làng. Thác Đầu Nhuần còn có tên gọi khác là thác Nậm Hẹn theo tên gọi dòng suối Nậm Hẹn. “Nậm” theo tiếng Tày nghĩa là nước, sông, suối. “Hẹn” là tên của người đầu tiên đến sống ở khe suối này. Theo đó, thác “Nậm Hẹn” là thác trên suối Hẹn.
Hình ảnh dòng suối dưới chân thác Đầu Nhuần.
Thác Đầu Nhuần chính là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của dòng chảy đã trải qua hàng trăm hàng nghìn năm kiến tạo địa chất và cảnh quan môi trường xung quanh. Danh lam thắng cảnh thác Đầu Nhuần bao gồm tổ hợp 3 thác nước lớn và hàng chục thác nước nhỏ, cùng với khu rừng nguyên sinh rộng lớn, với vẻ đẹp của thác Đầu Nhuần có thể nói thay đổi theo độ cao. Trước sự hùng vĩ của những dãy núi cao trùng điệp, thác Đầu Nhuần đổ từ trên xuống như những dải lụa trắng lơ lửng giữa màu xanh của núi rừng bao la. Lúc thì dữ dội tung bọt trắng xóa, ào ào như tiếng gầm rú vang vọng một góc trời. Lúc thì dịu nhẹ như dòng suối mây, lướt qua những khóm cây, những cánh đồng bao la. Lúc lại róc rách qua các khe đá như bản hòa tấu âm thanh gợi cho người nghe cảm giác mê hoặc như được đắm chìm trong không gian tĩnh lặng giữa đại ngàn mênh mông để tận hưởng món quà vô giá của mẹ thiên nhiên ban tặng. Ẩn mình dưới màu xanh của núi rừng, thác Đầu Nhuần hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp mộng mị rất đỗi chân nguyên của mình. Cùng với không gian văn hóa đặc sắc của người Dao, người Tày sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trong chuyến tham quan ngược dòng suối Nhuần.
Ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận chia sẻ niềm vui khi xã được đón nhận Bằng xếp hạng thác Đầu Nhuần là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, ông cũng chia sẻ thêm về không gian văn hóa độc đáo của người Dao, người Tày nơi đây thông qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày của họ. Đến Phú Nhuận, du khách còn được khám phá nét đẹp văn hóa của người Tày sống tập trung ở trung tâm vùng thung lũng bằng phẳng ven suối Nhuần, hình thành nên nền văn hóa nông nghiệp đặc trưng nơi hạ lưu với những làng quê trù phú, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, những đồi chè tỏa hương thơm ngát. Người Tày còn giữ được khá nhiều nét văn hóa truyền thống, ở khu vực Cụm Nhuần, thôn Tân Lập làng bản của người Tày được trang trí một màu xanh ngắt của lá cọ. Hai bên đường đi, cọ cao vút xòe tán tỏa bóng mát, đâu đó những ngôi nhà sàn nhấp nhô ẩn hiện cùng làn khói bếp bay bay dưới nắng chiều in nghiêng tạo nên khung cảnh nên thơ lãng mạn của làng quê thanh bình. Những món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, cốm, vịt lam, vịt nấu măng chua, cơm lam, nem măng đắng, cá suối... tạo nên bức tranh ẩm thực phong phú đa dạng với nguồn nguyên liệu tươi sạch do người dân làm ra. Nơi đây, vẫn còn lưu giữ những làn điệu Then cổ, được nghệ nhân truyền dạy trong câu lạc bộ then và nghệ thuật hóa đưa lên sân khấu, đưa vào nhà trường giảng dạy để khơi lên lòng yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Đặc biệt là du khách sẽ được tham dự lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) của người Tày tổ chức ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm.
Chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Phú Nhuận đón nhận Bằng xếp hạng thác Đầu Nhuần là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Thác Đầu Nhuần tượng trưng mang ý nghĩa chỉ vị trí của dòng thác là nơi khởi đầu, bắt nguồn của dòng nước mẹ mang dưỡng chất lan tỏa đi tạo nên những làng quê trù phú, thanh bình nơi vùng hạ lưu. Qua các buổi thảo luận và hội thảo di tích, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã thống nhất tên gọi di tích là Di tích thắng cảnh thác Đầu Nhuần.
Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã ký quyết định xếp hạng thắng cảnh Thác Đầu Nhuần là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Để bảo vệ danh lam thắng cảnh thác Đầu Nhuần, UBND huyện Bảo Thắng đã công bố việc khoanh vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh thác Đầu Nhuần với tổng diện tích gần 350ha. Đồng thời, xã Phú Nhuận cũng tổ chức lễ cắt băng khánh thành công trình đường giao thông nông thôn tuyến Phú Thủy - Đầu Nhuần và trao giải đi bộ thác Đầu Nhuần lần thứ nhất.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết