Laocaitv.vn - Trong nhịp sống hiện đại, thức khuya đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Áp lực công việc, học tập, cùng lối sống số hóa gia tăng khiến không ít người chấp nhận đánh đổi giấc ngủ để hoàn thành công việc hoặc giải trí. Tuy nhiên, ít ai nhận thức được những tác động tiêu cực mà thói quen này gây ra cho sức khỏe và tinh thần.
Chị Trần Thị Thảo, giảng viên môn pha chế và quản trị sự kiện tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên, là một trong số những người thường xuyên thức khuya. Với công việc giảng dạy bận rộn, chị thường phải thức đến 2-3 giờ sáng để soạn giáo án và chuẩn bị bài cho sinh viên.
"Mình cảm thấy người mệt nhiều hơn những ngày mình không ngủ đủ giấc. Sáng hôm sau mình đi làm sớm rất là buồn ngủ", chị Thảo chia sẻ.
Chị Thảo chia sẻ về tác động của việc thức khuya đến sức khỏe và tinh thần trong công việc hàng ngày.
Anh Đỗ Ngọc Hải, làm quản lý tại một khách sạn ở thị xã Sa Pa, cũng thường xuyên thức khuya do đặc thù công việc. Dù biết việc thức khuya ảnh hưởng đến sức khoẻ, Hải vẫn muốn nỗ lực cho sự nghiệp khi mình đang còn trẻ.
"Thức khuya nhiều dẫn đến stress kéo dài. Sáng dậy khá là mệt mỏi vì làm giờ hành chính. Thói quen thức khuya của mình đã kéo dài nhiều năm rồi thành ra là để bỏ cũng rất là khó", anh Hải nói.
Anh Hải chia sẻ về những khó khăn trong việc từ bỏ thói quen thức khuya và tác động đến sức khỏe.
Theo các nghiên cứu khoa học, thức khuya thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm thị lực, các vấn đề về tiêu hóa, và các bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu...
BS.CKI Trần Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết: "Giấc ngủ tốt nhất của con người thường vào là 23 giờ đến 6 giờ sáng. Khi thức khuya nhiều, chúng ta sẽ không thể tự điều tiết được hormone (hóc-môn) cân bằng được nội tiết tố trong cơ thể; chính vì thế gây giảm năng lượng dẫn tới mệt mỏi".
BS.CKI Trần Thu Hằng giải thích tác động của việc thức khuya đến cơ thể và sức khỏe tinh thần.
Thức khuya có thể mang lại sự yên tĩnh tạm thời, nhưng hậu quả lâu dài lại vô cùng nghiêm trọng. Để hạn chế tác hại của thức khuya, hãy bắt đầu thay đổi từ hôm nay bằng cách: Quản lý thời gian hiệu, sắp xếp công việc hợp lý, tạo thói quen ngủ đúng giờ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ thư giãn và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ... Bởi giấc ngủ chính là chìa khóa cho sức khỏe và tinh thần bền vững của bạn.
Bích Huệ - Minh Dũng – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết