Laocaitv.vn - Lào Cai là tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy tương đối phức tạp, với các hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Nậm Thi và sông Chảy, cùng nhiều ngòi, ao, hồ, nhiều bến khách ngang sông đang hoạt động, với số lượng hành khách qua lại tương đối đông. Vụ tai nạn mới đây tại sông Chảy, thuộc địa phận xã Bản Cái, huyện Bắc Hà làm 3 người chết đuối, là tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi các đơn vị, lực lượng chức năng cần tích cực triển khai hơn nữa nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến khách ngang sông. Đồng thời, các chủ phương tiện đường thủy cũng cần chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi chuyên chở.

Hiện trường vụ lật thuyền trên sông Chảy. (Ảnh: VOV.vn)
Thôn Làng Giàng, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng là địa phương có bến đò ngang sông nối thôn với phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai. Từ lâu, việc đi lại của người dân và các em học sinh nơi đây, hầu như đều phụ thuộc vào những chuyến đò ngang. Xác định đây là tuyến giao thông chính, phục vụ người dân khu vực xã Thái Niên đi vào trung tâm thành phố, trong những năm qua, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động để chủ đò và người tham gia giao thông nêu cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông. Ông Kiều Mạnh Cường, chủ bến đò Làng Giàng, phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai cho biết: “Những ngày mưa bão không đảm bảo an toàn, tôi sẽ dừng hoạt động và từ chối phục vụ, tất cả các khách đi đò phải tuân thủ mặc áo phao mới cho đi. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, tôi là chủ đò thì phải tuân thủ các quy định an toàn giao thông”.
Trung bình mỗi ngày bến đò Làng Giàng chuyên chở trên 40 lượt, với khoảng 100 hành khách. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các chuyến đò, các chủ đò tại bến thường xuyên hướng dẫn, thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn, như mặc áo phao, sắp xếp phương tiện, chỗ ngồi đảm bảo an toàn khi di chuyển. Các chủ phương tiện cũng thường xuyên kiểm tra độ an toàn của đò, thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm và đảm bảo đường lên, xuống, đèn chiếu sáng, biển báo hiệu, chở đúng số người quy định. Cùng với đó, người dân cũng đã tự ý thức cho mình việc tuân thủ các quy tắc an toàn theo hướng dẫn. Anh Đặng Văn Nam, người đi đò chia sẻ: “Ở đây chủ đò thực hiện đúng quy định, lên đò là chúng tôi mặc áo phao. Người dân đều có ý thức, bởi ai cũng muốn bảo vệ tính mạng của mình cả, ở đây cũng chưa xảy ra vụ tai nạn nào”.

Người dân cần thực hiện đầy đủ quy định đảm bảo an toàn khi đi đò.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường sông trong mùa mưa bão, Đội Giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phối hợp với công an các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền Luật Giao thông, và các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đến người dân, được coi là giải pháp then chốt; tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết chấp hành Luật đối với 100% các chủ phương tiện, chủ bến cát, sỏi, bến phà, bến đò chở khách ngang sông; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi; phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; chở quá tải, quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương chủ động đảm bảo lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Trung tá Đinh Như Thắng, Đội trưởng, Đội Giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở các lái đò thường xuyên phải kiểm tra phương tiện, đủ điều kiện an toàn mới được qua sông. Chúng tôi cũng hướng dẫn các chủ phương tiện làm các giấy tờ, chứng chỉ đầy đủ, để đò qua sông đảm bảo đúng quy định”.
Với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, cùng với nỗ lực của các lực lượng chức năng, mỗi chủ phương tiện, mỗi người dân khi tham gia giao thông đường thủy, cần có ý thức tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Có như vậy, những thiệt hại do mất an toàn giao thông đường thủy nội địa mới giảm thiểu, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn tỉnh./.
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết