Các trường học ứng phó với biến đổi khí hậu

08:50 25-05-2025 | :67

 

Laocaitv.vn - Trang bị cho thầy, cô giáo và các em học sinh các kiến thức, kỹ năng phòng, tránh thiên tai, nhằm xây dựng mô hình trường học thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh hướng tới.

 

Trong giờ hoạt động ngoại khóa của Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, các em học sinh được tham gia buổi truyền thông về biến đổi khí hậu, với hoạt động trao đổi thông tin, thi kiến thức, vẽ tranh… tìm hiểu về các loại hình thời tiết cực đoan thường xảy ra ở vùng núi như nơi mình sinh sống, dấu hiệu nhận biết và những kỹ năng phòng, tránh thiên tai.

Hoạt động ngoại khóa là tiểu mục nằm trong các hoạt động xây dựng mô hình trường học thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thuộc Kế hoạch “Hỗ trợ khẩn cấp nhằm khắc phục thiệt hại và phục hồi sau cơn bão số 3 tại tỉnh Lào Cai” do UNICEF hỗ trợ. Hoạt động thêm nhiều ý nghĩa khi thực hiện tại Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh có các học sinh ở Làng Nủ - nơi xảy ra thiên tai vào tháng 9/2024 - theo học.

Cô giáo Hoàng Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh, huyện Bảo Yên cho biết: Với học sinh Làng Nủ - nơi xảy ra lũ quét vào tháng 9/2024, chương trình này rất ý nghĩa và thực tế. Thầy cô sẽ có nhiều kiến thức bổ ích để tập huấn cho các thầy, cô giáo khác và hướng dẫn học sinh thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Học sinh tham gia truyền thông về biến đổi khí hậu với hoạt động bổ ích như trao đổi thông tin, vẽ tranh…

Cùng với hoạt động thực tế, qua hoạt động tập huấn, tìm hiểu thông tin bằng hình thức trao đổi, thảo luận nhóm, tham vấn chuyên gia, các thầy, cô giáo có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, những hậu quả về tâm lý, tâm thần đối với học sinh, giáo viên do thiên tai gây ra. Mỗi thầy, cô giáo trở thành cốt cán của chính địa phương mình trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cô giáo Triệu Thị Hoa Đào, cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Chúng tôi đã thiết kế lại chương trình tập huấn để tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên của các trường học. Từ đó, thầy cô của các trường sẽ thiết kế những bài học, những chương trình tập huấn, tư vấn, tham vấn để hỗ trợ lại học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng nơi mình công tác.

 

Giáo viên được tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Duy Hải, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết: Đây là hoạt động rất hiệu quả. Vừa trải qua các tác động của cơn bão, các thầy cô được tiếp cận từ cơ sở lý luận, khung pháp lý đến cách tổ chức phòng, chống. Đặc biệt, qua tiêu chí của trường học, các thầy cô nhìn nhận được mình đã có cái gì và đang thiếu cái gì để có thể thực hiện hoạt động khắc phục bổ sung và xây dựng kế hoạch.

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều trường học vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng nặng nề do điều kiện về địa hình phức tạp, thời tiết nhiều diễn biến bất thường. Việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các thầy, cô giáo, học sinh và cộng đồng là rất cần thiết.

Tô Dung - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết