Laocaitv.vn - Là tỉnh miền núi thường xuyên phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của các hình thái thiên tai như rét đậm, rét hại, sạt lở đất, lũ quét. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai đối với cộng đồng. Việc xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được triển khai tại một số địa phương đang dần phát huy hiệu quả.
Trồng rau trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Chảo Tả Mẩy (trái ảnh).
8 năm trước, sau trận lũ quét lịch sử, toàn bộ rau màu mất hết, chỉ là 1 bãi hoang tàn, ngổn ngang đất đá, gia đình chị Chảo Tả Mẩy đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả của thiên tai, phát triển sản xuất trở lại. "Gia đình tôi đã chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng rau trái vụ, canh tác 3 vụ/năm. Cách làm này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Thời gian tới, chúng tôi chỉ mong thời tiết ủng hộ, Nhà nước có thêm nhiều giải pháp phòng tránh thiên tai cho bà con yên tâm", chị Chảo Tả Mẩy, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ đang là hướng đi mới của xã Ngũ Chỉ Sơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chị em phụ nữ được hướng dẫn kỹ thuật, thích ứng với những điều kiện khí hậu khác nhau. Chị Chảo San Mẩy, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa nói: "Được tuyên truyền thì chị em chúng tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng tôi cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, hay cách làm nhà bạt để phòng tránh rét cho rau, từ khi áp dụng tôi thấy rất hiệu quả”.
Phụ nữ xã Tòng Sành trồng cây dược liệu, bảo vệ rừng tự nhiên.
Cũng là địa phương thường xuyên xảy ra lũ quét, trượt lở đất đá do mưa lớn kéo dài. Bởi vậy, việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ rừng luôn được xã Tòng Sành, huyện Bát Xát chú trọng thực hiện. Từ năm 2017, 3 tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu do phụ nữ làm chủ đã được thực hiện. Bên cạnh việc khai thác cây thuốc tự nhiên một cách khoa học, có phát triển bảo tồn thì chị em phụ nữ cũng đã thực hiện trồng thêm các loại cây dược liệu quý. "Tôi cũng động viên chị em trồng thêm cây cơm cháy, cây bổ máu trên rừng, nhân rộng phát triển thì cũng bảo vệ rừng được tốt hơn", chị Lò Lở Mẩy, Chủ nhiệm Tổ hợp tác bảo vệ rừng và cây dược liệu thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát cho biết.
Với định hướng phát triển cây dược liệu góp phần gìn giữ bài thuốc tắm của người Dao đỏ nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch, chính quyền địa phương cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn, phát triển nghề đi đôi với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng. "Theo thống kê thì hiện xã Tòng Sành cũng có nhiều diện tích trồng cây dược liệu quý. Với phương châm khai thác đi đôi với bảo vệ rừng, thời gian tới, xã hướng tới việc tuyên truyền vận động bà con trồng thêm một số cây dược liệu quý, thực hiện quy trình sản xuất, cô đặc sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ cung cấp ra thị trường", ông Bùi Hữu Chung, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tòng Sành, huyện Bát Xát nói.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ phụ nữ sinh sống ở vùng núi cao, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai cho thấy, hỗ trợ sinh kế là một trong những biện pháp hiệu quả, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, mạnh dạn bắt tay vào đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế mới, thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Bài, ảnh: Vân Anh - Nông Quý - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết