Laocaitv.vn - Theo báo cáo của ngành Giáo dục, cùng với phòng chống Covid-19, nhiều trường học đã triển khai dạy học thông qua các hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc dạy học này tại các trường học vùng cao cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ để hướng tới mục tiêu tất cả học sinh đều được học tập trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Học sinh duy trì việc học tập tại nhà.
Những ngày nghỉ học để phòng chống Covid-19, em Lý Minh Đức ở thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát dành phần lớn thời gian để phụ giúp gia đình. Để không quên kiến thức, Đức làm bài tập các thầy cô giáo giao trực tiếp mỗi tuần và tự học là chính. Mặc dù rất ý thức duy trì việc học tập tại nhà, nhưng đôi khi, Đức cũng gặp khó khăn bởi có một số nội dung chưa thực sự hiểu lại không có sự hướng dẫn trực tiếp từ các thầy cô giáo. Em Lý Minh Đức, thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ: "Việc học ở trường thì em tiếp thu được nhiều hơn, cái gì khó hiểu thì cô giáo hướng dẫn luôn. Còn bây giờ, như ở chỗ nhà em không có mạng, cái gì chưa hiểu thì phải chờ cô giáo đến tận nhà mới hỏi được, nên em cũng thấy chưa hiệu quả bằng".

Giáo viên đến nhà để giao bài, chữa bài cho học sinh.
Đây cũng là thực tế đối với việc tự học tại nhà của nhiều học sinh ở vùng cao Lào Cai bởi các giáo viên thiếu phương tiện, thiết bị dạy học, mạng internet không ổn định, nhiều gia đình không có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, không vì vậy mà việc học tập của các em học sinh bị bỏ qua. Trái lại, các thầy cô ở vùng cao Lào Cai đã có nhiều biện pháp để giao bài, chữa bài cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cho biết: "Để tổ chức ôn tập cho các em tại nhà, nhà trường căn cứ vào nội dung Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu để phân công giáo viên phô tô, cùng với trưởng thôn, bí thư chi bộ đến tận nhà giao bài cho các em, và cứ đầu tuần thì lại đến nhà thu bài và chữa bài cho các em".
Nỗ lực của cả thầy và trò vùng cao Lào Cai trong thời gian này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan nhất thì tất cả các giải pháp đang triển khai đều chỉ mang tính tình thế, và hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Chỉ khoảng 20% số học sinh Tiểu học, Mầm non ở Bát Xát được tham gia học trực tuyến. Còn cơ bản, vẫn sử dụng phương pháp giao bài thủ công như đã đề cập. Chính vì vậy, linh hoạt trong việc tổ chức ôn tập, giảng dạy là điều cần thiết phải làm trong thời gian này. Ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: "Qua thăm nắm chúng tôi thấy là ở các địa bàn khó khăn thì cơ bản là phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập, học sinh phải phụ giúp gia đình, giáo viên 1 bộ phận thì năng lực còn hạn chế, nhưng chúng tôi tin tưởng vào sự sáng tạo của các địa phương, các cơ sở giáo dục, với phương châm học sinh nào cũng được học tập".

Các em vừa học, vừa dành thời gian để phụ giúp gia đình.
Bắt đầu từ ngày 12/3, sau khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh, rà soát và đánh giá kết quả học trực tuyến, tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục triển khai hiệu quả hơn các hình thức học trực tuyến, học trên internet, trên kho dữ liệu, trên truyền hình. Đây cũng là cơ hội để ngành Giáo dục Lào Cai tiếp cận với 1 phương thức dạy học mới, hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc tăng cường kiếm tra, kiếm soát để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến cũng cần phải đẩy mạnh với sự vào cuộc của toàn ngành, của gia đình và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh được học tập một cách tốt nhất.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết