Không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sáp nhập 

21:51 02-05-2025 | :80

Laocaitv.vn - Từ ngày 01/7 tới đây, số xã, phường của Lào Cai sẽ giảm tới 68,22%. Việc sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đang trở thành mối quan tâm lớn, bởi hàng trăm công trình trụ sở với giá trị xây dựng lớn, thậm chí còn khá mới sẽ bỏ trống, nếu không bố trí sử dụng hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, gây lãng phí tài sản công. Phóng sự sau sẽ đề cập nội dung này. 

 

Trụ sở Đảng ủy, UBND xã Cam Cọn được đầu tư khang trang, đầy đủ các hạng mục và còn khá mới. Theo phương án sắp xếp, sáp nhập, từ ngày 1/7 tới đây, trụ sở xã mới sẽ được đặt tại Bảo Hà. Nhiều người dân tiếc nuối khi không còn được sử dụng cơ sở vật chất tại đây.

Chị Dương Thu Hương, người dân thôn Bỗng Buôn, xã Cam Cọn chia sẻ: “Trụ sở ở đây đang rất thuận tiện cho người dân. Nếu cán bộ chuyển đi hết thì nên chuyển trụ sở này cho nhà trường hoặc để phục vụ các mục đích cộng đồng, tránh để lãng phí”.

Trụ sở xã Cam Cọn trước ngày sáp nhập: Khang trang nhưng sắp ngừng sử dụng.

Theo phương án, các xã Bảo Hà, Cam Cọn, Kim Sơn của huyện Bảo Yên và Tân Thượng, Tân An của huyện Văn Bàn sẽ sáp nhập thành 1 xã mới là Bảo Hà. Sử dụng các trụ sở xã như thế nào để vừa hợp lý, vừa thuận tiện cho người dân, lại vừa không lãng phí cơ sở vật chất là tâm tư chung của nhiều người.

Ông Đoàn Thanh Tâm, thôn Tân An 1, xã Tân An (Văn Bàn) bày tỏ mong muốn: “Việc sáp nhập là chủ trương đúng, nhưng rất cần có hướng dẫn cụ thể của nhà nước trong sử dụng lại tài sản công. Theo tôi, nên ưu tiên phục vụ các mục đích dân sinh, xã hội, càng gần dân càng tốt”.

Trụ sở xã Tân An sau sáp nhập: Dự kiến trở thành trụ sở khối Đảng và một phần nhà công vụ của xã Bảo Hà mới.

Trước sắp xếp, huyện Bảo Yên có 17 trụ sở hành chính cấp xã, trong đó có trụ sở xã Tân Tiến đang xây dựng và hoàn thiện, trụ sở xã Vĩnh Yên vừa được bàn giao sử dụng trong năm 2024, trụ sở xã Phúc Khánh đang chuẩn bị được đầu tư. Các trụ sở còn lại được xây dựng từ trước năm 2015, tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp, hiện đang sử dụng tốt. Để tránh lãnh phí, địa phương đã rà soát và xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công đối với các xã; chủ trương là tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Ông Nguyễn Thành Công – Chủ tịch UBND xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Trụ sở xã Cam Cọn sau sáp nhập sẽ được giao cho nhà trường quản lý, phục vụ nhu cầu thiếu phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ trên địa bàn. Trụ sở xã Tân An sẽ được chuyển thành khu nhà công vụ để bố trí cho cán bộ đến công tác tại xã mới”.

Tương tự, ông Lý Văn Bảo – Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn cho biết: “Tương tự, ông Lý Văn Bảo – Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều điểm trường thiếu cơ sở vật chất. Việc chuyển giao trụ sở cho trường học là phương án thiết thực, giúp tiết kiệm đầu tư, tránh tình trạng nơi cần thì thiếu, nơi thừa lại bỏ hoang”.

Trụ sở xã Bảo Hà sau sáp nhập: Dự kiến là nơi làm việc của UBND xã mới.

Các công trình trụ sở xã đều là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, chính vì vậy, việc bố trí, sử dụng hiệu quả không chỉ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan, đơn vị được sử dụng mà còn là giải pháp tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tại Lào Cai, kinh nghiệm triển khai điều chỉnh địa giới hành chính hoặc sáp nhập cấp xã từ năm 2020 đến nay sẽ là gợi ý cho các địa phương để tiến hành rà soát, lựa chọn phương án phù hợp.

Thu Hường – Phạm Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết