Nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn

13:11 08-10-2021 | :342

Laocaitv.vn - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, một trong những thành công lớn của Lào Cai là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2 con số. Thành công này là nhờ sự đột phá về tư duy chính sách đối với công tác giảm nghèo. Từ năm 2022 với việc ban hành chuẩn nghèo mới sẽ có những thay đổi nhất định, việc nhận diện hộ nghèo được toàn diện hơn. Đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, giúp họ tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Năm nay gia đình anh Chày lại nằm trong danh sách hộ nghèo.

Ít ruộng đất, nương đồi để trồng cấy, chăn nuôi cũng nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, vài năm trở lại đây thu nhập của gia đình anh Bàn Văn Chày ở xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng rất bấp bênh. Chính vì vậy được vào diện cận nghèo với gia đình anh đã là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên rà soát theo chuẩn nghèo mới, gia đình anh Chày lại tiếp tục lọt vào danh sách hộ nghèo. Anh Chày chia sẻ: "Xã cũng rất quan tâm, hôm nay cho một tấn xi để lát nền. Gia đình tôi rất cố gắng rồi nhưng năm nay lại bị báo cho xuống hộ nghèo, không biết sang năm có thoát được nghèo hay không. Tôi cũng bảo con cái phải vượt lên cho nó hết được cái nghèo".

Từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2025, chuẩn nghèo mới được áp dụng với các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, trong đó đáng chú ý nhất là thay đổi trong tiêu chí thu nhập. Theo đó, ở khu vực nông thôn các hộ có thu nhập bình quân đầu người 1 tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống sẽ thuộc diện hộ nghèo, thay cho mức hiện nay là 700.000 đồng/tháng. Chính vì vậy số hộ nghèo của hầu hết các địa phương sẽ tăng. Ông Lý Văn Lợi, Trưởng thôn Làng Cung 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Hiện cả thôn có 5 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, nhưng hiện tại chúng tôi lại đang phải rà soát lại theo chuẩn mới thì thôn tôi lại có 21 hộ nghèo".

Cán bộ thôn rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, con đường xóa đói, giảm nghèo sẽ dài hơn, nhất là với các địa phương đang phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên chuẩn nghèo mới được áp dụng, cũng là để các địa phương nhìn nhận công tác giảm nghèo một cách toàn diện hơn. Nhất là giúp xác định rõ được nguyên nhân nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chị Sùng Thị Dế, thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát cho biết: "Trước kia chỉ có trồng lúa, được bao nhiêu thì được, bây giờ có giống mới, thóc lúa nhiều, ăn không hết, tôi còn làm cả cây vụ đông nữa. Xã đã vận động thì phải cố gắng để không còn bị nghèo trở lại".

Ông Thào A Phùng, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát cho biết: "Trước hết là phải có giải pháp để tăng thu nhập cho bà con. Chúng tôi sẽ đưa vào các cây trồng, vật nuôi mới, phân công các hộ khá giúp đỡ hộ nghèo để nâng được thu nhập lên".

Để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, các địa phương sẽ cần có những đổi mới và tạo đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo. Bởi tăng chuẩn nghèo cũng tức là hướng đến những mục tiêu cao hơn, bền vững hơn, để cuộc sống người dân thực sự no đủ, khấm khá.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết