Laocaitv.vn - Chuối và dứa là hai sản phẩm nông nghiệp chính, đem lại thu nhập cho phần lớn bà con xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Song do giá tiêu thụ thấp, trong khi các chi phí đầu tư tăng cao khiến nhiều lao động phải tìm hướng cải thiện thu nhập bằng việc thoát ly đi làm tại nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất ngoài tỉnh.
Được mùa nhưng lại rớt giá khiến người trồng dứa không còn mặn mà.
Bản Lầu hiện đang vào chính vụ thu hoạch dứa. Mặc dù tỉnh, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã có giải pháp hỗ trợ, mời gọi doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ giúp bà con. Tuy nhiên, niềm vui được mùa không lấp được nỗi buồn của người trồng dứa bởi tình trạng rớt giá. Khá nhiều lao động trên địa bàn đã quyết định rời quê đi làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Anh Thào A Quáng, thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu, Mường Khương tâm sự: "Phân bón tăng giá cao, dứa bán lại rất thấp nên người trồng phải tính đến chuyện đi xin việc làm ở các doanh nghiệp, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, lo cho các con đi học và cũng để có kinh phí mua phân bón cho đợt tới này".
Chị Lừu Sén, thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương nói: "Con gái gửi ông bà trông, hai vợ chồng quyết định đi làm để có thu nhập tốt hơn, gửi về lo cho các con và để bố mẹ ở nhà trang trải cuộc sống".
Nhiều người quyết định rời quê đi tìm việc làm ổn định thu nhập.
Cùng với anh Quáng, ngày 28/3 vừa qua, 19 lao động khác ở xã Bản Lầu đã rời quê đi làm việc tại một công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ gia dụng ở tỉnh Bình Dương; nâng số lao động của xã đi làm chủ yếu cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay lên trên 300 người. Ông Cư Chữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Người dân đi làm tự do nên chưa có cơ quan Nhà nước nào đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vì vậy chúng tôi là những người đại diện cho cấp ủy chính quyền phải trực tiếp đưa người lao động đi, thăm nắm tình hình làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như ngoài tỉnh, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con".
Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai cũng cho biết thêm: "Chúng tôi không đứng lên tổ chức, không đứng lên giới thiệu thì người lao động vẫn tự tìm để họ đi. Bây giờ họ thông qua trung tâm thì chúng tôi có những chế độ đảm bảo cho họ. Như là hỗ trợ tiền vé máy bay, hỗ trợ tiền đi và ngược lại để họ có được chỗ làm đảm bảo về mặt chế độ, quyền lợi, họ có được tay nghề, có kỷ luật lao động".
Không riêng ở Bản Lầu, mà hiện nay, khá nhiều lao động ở các địa phương đang có nhu cầu tìm việc làm có thu nhập ổn định. Do vậy, sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng là rất quan trọng, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết