Laocaitv.vn - Qua phân tích cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực luôn song hành với sự phát triển nhanh và bền vững. Cũng chính từ hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua, mà trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI tới đây đã tiếp tục đặt phát triển nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực đột phá.
Giai đoạn 2015 - 2020, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được Đảng bộ tỉnh xác định là giải pháp cơ bản và then chốt để tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể hóa quan điểm này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó đào tạo nghề là 55%.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai cho biết: “Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nhất là trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Tỉnh đang hợp tác với các đơn vị tiên phong, chất lượng cao về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, về nghiên cứu khoa học kỹ thuật của cả nước, cũng như hợp tác với các tỉnh trong cả nước và các tổ chức nước ngoài; đồng thời, có những cơ chế chính sách để đào tạo nhân tài, có những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực để ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó đào tạo nghề là 55%.
Sau 5 năm nỗ lực với nhiều giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, hệ thống cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch và sắp xếp lại một cách hợp lý từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, với nhiều loại hình cũng như ngành nghề đào tạo. Cùng với các chính sách hỗ trợ đào tạo và người học nghề, tỉnh Lào Cai đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% năm 2015 lên 65% năm 2020, trong đó đào tạo nghề tăng từ 43,1% lên 55%.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2015-2020, để thực hiện được chỉ tiêu đào tạo nghề, Lào Cai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Trong đó, phải kể đến các chỉ thị, nghị quyết chuyên về công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động của tỉnh Lào Cai. Hằng năm, UBND tỉnh cũng có rất nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo đến các ngành, các huyện, thị, thành phố để tổ chức thực hiện chỉ tiêu nghị quyết này”.

Lào Cai đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.
Trên nền tảng, kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Dự thảo Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XV xây dựng trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVI đã tiếp tục xác định “phát triển nguồn nhân lực” là một trong 5 lĩnh vực đột phá của nhiệm kỳ tới. Điều này cũng đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh phải xác định rõ trọng trách và một tâm thế mới để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: “Nhà trường đã xác định một tâm thế, một hướng đi, cách làm phù hợp. Quan trọng nhất là củng cố năng lực cộng sinh; thứ hai là tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở ngành hướng đi phù hợp. Nhà trường cũng sẵn sàng xây dựng hệ thống nghề nghiệp mở, thực hiện chế độ đào tạo thường xuyên, cập nhật, bồi dưỡng liên tục cho người lao động, thậm chí cho những người đã học cao đẳng, đại học. Đồng thời, cùng với tỉnh, các huyện, thị, thành phố xây dựng một hệ thống dữ liệu đào tạo nghề cho từng địa phương”.
Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%, đây là những con số dự thảo sẽ còn được thảo luận, biểu quyết tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025, song rõ ràng cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay đang và sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi lớn về mặt nhân lực trong từng đơn vị, doanh nghiệp, kể cả ở khu vực nông thôn, vùng cao. Đối diện với thực tế ấy, công tác đào tạo nghề đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết