Siết chặt quản lý thuốc tại các bệnh viện

07:52 04-05-2025 | :54

Laocaitv.vn - Trong bối cảnh thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng tinh vi, len lỏi trên thị trường thuốc chữa bệnh ở nhiều địa phương trên cả nước, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc trong bệnh viện trên địa bàn đang được các cơ quan chức năng tỉnh đặc biệt quan tâm.

Với thông tin về thuốc giả, thuốc kém chất lượng như hiện nay thì đến cơ sở khám, chữa bệnh sẽ là nơi tin cậy đối với người dân.

Thông tin về thuốc giả, thuốc kém chất lượng khiến không ít người dân trên địa bàn tỉnh hoang mang, lo lắng. Cơ sở y tế chính là nơi để người dân tin cậy khi có nhu cầu khám, chữa bệnh. Bà Ma Thị Chúc, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Trước thông tin thuốc giả tôi cũng lo sợ, ông hay ốm đau đi mua thuốc ở các hiệu thuốc tôi cũng phải hỏi cẩn thận. Tôi đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chữa bệnh cho ông, đến đây tôi cũng thấy rất yên tâm”.

Với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác quản lý thuốc từ lâu đã được thực hiện chặt chẽ từ quá trình đấu thầu thuốc đến khâu nhập kho, bảo quản và cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Định kỳ hàng năm, Trung tâm Kiểm nghiệm cũng tổ chức sang lấy mẫu thuốc về kiểm nghiệm và những năm vừa rồi, mẫu thuốc kiểm nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đạt yêu cầu về chất lượng”.

Ông Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở qua văn bản, kiểm tra thường xuyên đối với sữa, thực phẩm chức năng, thuốc đúng với thông tư, nghị định, Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh theo quy định”.

Để ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Mỗi tháng, Bệnh viện Nội tiết tỉnh khám cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú gần 400 lượt. Yêu cầu sử dụng nhiều loại thuốc đặc trị nên bệnh viện áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro bởi thuốc, tối ưu hóa chất lượng điều trị. Bác sĩ Vũ Thị Nguyệt, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh chia sẻ: “Tôi rất mong các cơ quan chức năng siết chặt công tác thanh, kiểm tra thuốc trên thị trường và lưu hành hoặc cấp phép trong sản xuất. Khi thuốc được siết chặt ngay từ đầu vào thì sẽ không có sản phẩm giả, kém chất lượng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai chia sẻ: “Với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chúng tôi tăng cường tuyên truyền tình trạng lưu hành thuốc giả, thực phẩm bổ sung giả để cán bộ nhân viên y tế nắm bắt được, kịp thời ngăn chặn”.

Công tác phòng, chống thuốc giả cần chiến lược dài hạn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất, phân phối thuốc và cả cộng đồng. Chỉ có như thế, thuốc giả, thuốc kém chất lượng mới hết cơ hội tồn tại dai dẳng như một thứ bệnh mãn tính.

Phương Thảo – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết