Trồng bông, dệt vải - Nghề truyền thống được gìn giữ tại Bản Mo

00:06 26-12-2021 | :1178

Laocaitv.vn - Mặc dù có thể dễ dàng tới các chợ phiên để mua vải, mua quần áo, nhưng người Dao Tuyển ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên vẫn giữ được vẹn nguyên nghề trồng bông, dệt vải truyền thống. Trải qua nhiều công đoạn, từ khi hạt bông gieo xuống đất, cho tới lúc hình thành một bộ trang phục, quá trình ấy là công sức, và tâm huyết của đồng bào Dao Tuyển trong nỗ lực bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Chị em phụ nữ Dao Tuyển ở Bản Mo 1 bật bông, kéo sợi lúc nông nhàn

Tranh thủ lúc nông nhàn, mọi người trong thôn Bản Mo 1 tập trung để giúp gia đình chị Hoàng Thị Thiết bật bông, kéo sợi. Nằm yên trên gác bếp, những quả bông được thu từ cuối tháng 6 đã được bàn thay khéo léo của chị em phụ nữ Dao Tuyển biến thành những cuộn bông trắng đẹp. Chị Hoàng Thị Thiết, ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Làm cái này một người làm thì lâu lắm, mỗi người một tay thì vui hơn. Cái này thì mẹ mình dạy lại cho mình, rồi mình thì sẽ truyền lại cho các con.”

Quy trình dệt vải truyền thống của phụ nữ Dao Tuyển ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

Chứng kiến đầy đủ những công đoạn để làm nên một tấm vải chàm của người Dao Tuyển mới thấy được sự công phu của người phụ nữ dân tộc Dao. Quả bông thu về, ban đầu phải tách hạt, sau đó dùng các dụng cụ truyền thống để bật bông cho tơi; vê thành ống, se thành chỉ, cuộn vào các suốt chỉ, sau đó dàn thành mành rồi cho vào khung dệt. Chưa kể đến việc còn phải hồ vải, nhuộm chàm mới có thể may thành quần áo. Kỳ công là vậy, nhưng hầu như phụ nữ nào ở bản Mo 1 cũng biết nghề, và đau đáu tới việc phải gìn giữ nghề truyền thống. Chị Trưởng Thị Thim, ở Bản Mo 1, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên tâm sự: “Khó đến mấy thì cũng phải cố gắng giữ nghề. Các con mình đi học giờ cũng được mặc quần áo truyền thống, nên mình cũng cố giữ để làm cho con một bộ mặc đi học.”

1.600.000 đồng là giá cho một tấm vải chàm sau khi hoàn thành. So với công sức và thời gian phải bỏ ra, thì giá trị có thể chưa thật cao. Tuy vậy, phụ nữ người Dao Tuyển ở Bản Mo chỉ làm bông, dệt vải lúc nông nhàn, khi ngô đã về nhà, ruộng đồng đang kỳ nghỉ ngơi sau vụ gặt. Chính vì thế, nghề trồng bông, dệt vải ít nhiều cũng góp phần cải thiện đời sống cho bà con nơi đây.

Những hạt bông lại sẽ được gieo vào đất, bắt đầu cho một vụ sản xuất mới. Còn chị em phụ nữ người Dao Tuyển ở Bản Mo thì đang tất bật chuẩn bị vải chàm để may váy áo cho ngày Tết, đón một mùa xuân mới tươi vui.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết