Xóa mù chữ: Gian nan những ngày đầu tái lập tỉnh

17:24 05-07-2021 | :359

Laocaitv.vn - Xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, ngay sau khi tái lập tỉnh sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ nói riêng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Con đường “diệt giặc dốt” gian nan nhưng sau ba thập kỷ đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào.

Lớp học xóa mù chữ những năm trở về trước.

Ba chục năm về trước, giữa bộn bề công việc của ngày đầu tái lập tỉnh, tỉnh Lào Cai vẫn dành sự quan tâm lớn cho công tác xóa mù chữ. Nhưng vào thời điểm ấy, xóa mù cho hơn 60% dân số trong độ tuổi là một nhiệm vụ vô cùng gian nan. Có những bước thăng trầm được lưu vào sách vở nhưng cũng có những vất vả, gian truân chỉ có thể thấu hiểu qua trải nghiệm của những người trong cuộc. Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: "Sở Giáo dục đã huy động mọi lực lượng để tham gia công tác xóa mù. Tôi còn nhớ có lần, giữa đêm mà đoàn kiểm tra vẫn đến tận xã Trung Chải, Vù Lùng Sung để kiểm tra xem các lớp xóa mù như thế nào. Công sức của các thầy cô giáo nhiều lắm, trong điều kiện đường đi ngày ấy còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhận thức còn hạn chế mà họ vẫn nỗ lực để đạt được kết quả cao trong công tác xóa mù".

Suốt gần 30 năm tham gia công tác giáo dục ở Bắc Hà, thầy giáo Lý Xuân Diu đã được chứng kiến nhiều thăng trầm trong sự học của người Mông ở vùng cao Bản Phố. Ông Diu đã dốc lòng quan tâm chăm lo học hành cho con em dân tộc Mông, thông qua các lớp xóa mù mỗi tối, miệt mài tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức cho trẻ đến trường. Thầy giáo Lý Xuân Diu chia sẻ: "Trước kia chỉ nhà giàu mới có điều kiện cho con cái đi học. Tôi vì gia đình khó khăn nên đến được với cái chữ cũng nhiều gian khó. Về sau này cuộc sống được cải thiện nên người dân ở đây cũng đã thay đổi nhận thức nhiều rồi".

Mặc dù đã nhiều tuổi nhưng người dân vùng cao vẫn tích cực đi học.

Ê a đánh vần từng con chữ như con trẻ thì đôi khi cũng xấu hổ nhưng không biết chữ, mọi công việc liên quan đến giấy tờ đều phải cậy nhờ người khác thì lại là mặc cảm dài lâu. Nhận thức như vậy nên nhiều bà con, nhất là ở các khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia các lớp học xóa mù. Mỗi buổi tối, những ánh đèn lại lập lòe hướng về lớp xóa mù, hướng về tương lai tươi sáng. Con trẻ được đến trường, về nhà còn kèm cặp việc đọc, viết cho ông bà, bố mẹ, người thân. Chị Sùng Thị Dở, thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: "Lúc nhỏ tôi không biết học nó lại quan trọng nên cứ ham chơi, vì vậy mà không biết chữ. Bây giờ các thầy, các cô mở lớp học nên tôi đã biết đọc, biết viết, người ta gửi tin nhắn cũng đọc được".

Nếu như thời điểm năm 1991, Lào Cai chỉ có trên 36% dân số trong độ tuổi biết chữ thì đến năm 2000, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi tăng lên 90%. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020 tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 của tỉnh đã đạt tới 94,5%.

Ngày nay người dân tộc vùng cao còn sử dụng thành thạo máy tính và các thiết bị thông minh.

Với mỗi người dân, xóa mù chữ - mục đích ban đầu là việc biết đọc, biết viết, sẽ tiến tới mong muốn cao hơn là được nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội. Từ đó tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 Thu Hường – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết