Chuyển đổi số trong quản lý nông sản an toàn Lào Cai

10:32 22-06-2021 | :407

Laocaitv.vn - Nhiều loại nông sản an toàn của tỉnh Lào Cai đang được quản lý trên hệ thống điện tử. Đơn giản, thuận tiện và kết nối rộng rãi đã giúp đơn đặt hàng các sản phẩm tăng cao, ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm cá nước lạnh của thị xã Sa Pa được gắn tem truy xuất nguồn gốc, khẳng định rõ xuất xứ, cũng như chất lượng loại thủy sản đặc trưng của Lào Cai. Cách làm này đã giúp cơ sở sản xuất cá nước lạnh ở Sa Pa xác định được tên tuổi, chỗ đứng trên thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh và khả năng bán hàng.

Bà Phạm Thị Mai, đại diện một cơ sở sản xuất cá nước lạnh ở thôn Can Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho rằng, tem truy xuất nguồn gốc sẽ khẳng định cá Sa Pa có nguồn gốc rõ ràng, nhờ đó việc bán sản phẩm trên các trang mạng như Shopee, Lazada dễ hơn, khách hàng và các siêu thị đặt hàng cũng nhiều hơn.

Cá nước lạnh của một cơ sở sản xuất ở Sa Pa được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Dịch Covid-19 bùng phát, quả mận Tam hoa Bắc Hà gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nhờ các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội đã giúp nông dân có thêm một kênh bán hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà lại tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. "Khi bán hàng trên mạng chúng ta sẽ có nhiều mối quan hệ hơn, bạn bè tương tác sẽ tạo ra nguồn khách hàng. Lợi nhuận cũng sẽ tốt hơn do mình không phải thuê chi phí mặt bằng bán hàng", chị Hoàng Thị Hiên (xã Tà Chải, huyện Bắc Hà) đang tham gia bán hàng trên mạng xã hội chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết thêm: "Để đảm bảo chất lượng sản phẩm như người tiêu dùng mong muốn, chúng tôi cử cán bộ xuống tận vườn của từng hộ gia đình để hướng dẫn hái mận theo đúng kích cỡ thì mới thu mua. Khách hàng đánh giá dịch vụ của Bắc Hà khi lên sàn thương mại điện tử là tương đối tốt".

Sản phẩm có gắn mã QR-Code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 72 doanh nghiệp, HTX với 275 dòng sản phẩm được gắn mã QR-Code trên sản phẩm nông sản tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử.

Lào Cai đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử từ năm 2017. Việc làm này giúp người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc và yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Qua đó cũng giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết