Laocaitv.vn - Hát dân ca Thái từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Thái Sơn La. Hát Thái đa dạng thể loại, cách diễn xướng phong phú, mỗi làn điệu là một sắc thái khác nhau, diễn tả trọn vẹn về cuộc sống, tình cảm, về hiện tại và những ước mơ với ca từ thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng người.
Hát Thái xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.
Những câu “khắp” với nội dung lấy ý tưởng từ chính điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, thói quen, tín ngưỡng, thể hiện tâm tư và tình cảm mà người hát muốn gửi gắm. Người ta có thể “khắp” ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài đồng, khi vui, lúc buồn, “khắp” trong các lễ hội.
"Là người con dân tộc Thái tôi rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tôi rất yêu các làn điệu dân ca Thái. Tham gia vào câu lạc bộ được các mẹ, các chị dạy hát, tôi rất vui và sẽ cố gắng học hỏi để có cơ hội biểu diễn tại các ngày lễ Tết do bản tổ chức", chị Tòng Thị Hoa, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Theo thống kê, dân tộc Thái có hơn 10 làn điệu dân ca khác nhau, mỗi làn điệu được sử dụng trong những hoạt cảnh nhất định và đa dạng về cách thể hiện cũng như khác nhau về ca từ, tiết tấu. Dân ca của dân tộc Thái cũng bắt đầu với những bài đồng dao có vần điệu dễ nhớ. Các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái lại có những điệu hát riêng như: “khắp” mừng xuân, “khắp” mừng nhà mới, “khắp” mừng thọ. Nhưng phổ thông nhất trong “khắp” Thái là làn điệu “khắp” xừ, thể loại này giống với ngâm thơ, vịnh thơ của dân tộc Kinh.
Ngày nay, ở các bản làng đồng bào dân tộc Thái, không còn nhiều người biết hát những làn điệu “khắp” Thái, nhưng tình yêu với những làn điệu dân ca dân tộc thì vẫn luôn vẹn nguyên với những ai sinh ra từ bản làng.
Hoàng Thu – Đắc Thanh
Đài PT - TH Sơn La
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết