Laocaitv.vn - Những ngày này, chị em ở các bản vùng cao đang rộn ràng may váy, áo đón tết. Trước đây chị em phụ nữ vùng cao chỉ may thêu vài bộ để người trong gia đình mặc thì nay đã hình thành các tiệm may phục vụ chị em. Dịch vụ này đã giúp cho nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo. Và để mỗi mùa xuân tới, những thiếu nữ người Mông sẽ lại xúng xính váy áo đủ sắc màu xuống chợ, dập dìu với những điệu khèn gọi bạn.

Các tiệm may đang tất bật chuẩn bị thêu may váy, áo để bán tết.
Cứ vào độ cuối năm, chị em người Mông ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát lại tất bật chuẩn bị thêu may váy, áo để mặc đón xuân. Phụ nữ người Mông nơi đây, hầu như ai cũng biết thêu thùa ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây với nhịp chảy hối hả của cuộc sống mới, bà con cũng bận rộn hơn, những bộ trang phục cầu kì cũng dần ít đi, thay vào đó là những trang phục hiện đại hơn, nhẹ nhàng hơn. Và những tiệm may váy của người Mông cũng mọc lên ngày càng nhiều ở vùng cao Bát Xát. Chị Lầu Thị Mỷ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát chia sẻ: “Trước kia sắp tết thì chúng tôi thêu váy, áo để ăn tết thôi nhưng thấy bên Mường Khương họ bán được nhiều thì chúng tôi cũng tập buôn bán. Một tuần ít nhất cũng bán được 5, 6 bộ trở lên. Bây giờ ở nhà làm thế này đông vui hơn, không mệt như làm thuê đâu”.
Ban đầu, chỉ có một vài hộ ở Làng Mới làm nghề may mặc nhưng với nhu cầu ngày càng cao của bà con Nhân dân gần xa, đến nay toàn thôn đã có trên 10 hộ làm dịch vụ này. Để tạo ra các sản phẩm may mặc giờ không còn khó khăn và tốn nhiều thời gian như trước đây, bởi đã có sự hỗ trợ của máy móc. Để sản phẩm làm ra nhiều và rẻ hơn, các tiệm may đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy thêu, máy khâu chuyên dụng, năng suất, hiệu quả công việc từ đó được nâng lên đáng kể. Chị Hạng Thị Ké, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cho biết: “Đi sang bên Mường Khương thấy người ta bán được nhiều thì mình cũng về bàn với chồng để thử làm xem như thế nào, mua máy móc hết hơn 300 triệu. Sau này thấy ổn định không làm nương làm ruộng nữa, một tuần tôi làm được khoảng 40 bộ, mang đi bán ở chợ Y Tý, Mường Hum, càng gần tết thì càng bán được nhiều”.

Tiệm may của gia đình chị Ké đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy thêu, máy khâu chuyên dụng.
Anh Thào A Nhè, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát chia sẻ: “Trước đây mùa này ở nhà không có ai làm, bây giờ cô chú mua được cái máy này xuống đây làm cũng giúp mình có thêm thu nhập. Làm may không khổ mấy, có máy móc rồi”.
Từ việc phục vụ nhu cầu hằng ngày, đến nay, may mặc đã dần trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định cho bà con Nhân dân ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, nhất là vào các thời điểm nông nhàn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm để tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề này trong tương lại. Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát chia sẻ: “Bây giờ bà con không trồng cây lanh để dệt vải nữa, loại vải và trang phục bà con may ra rất phù hợp vì nhẹ, thoáng mát nên rất được yêu thích. Chúng tôi cũng định hướng thời gian tới sẽ thành lập hợp tác xã may mặc để các hộ cùng tham gia”.
Trong nỗ lực tìm lời giải cho bài toán xóa đói, giảm nghèo, việc phát triển kinh tế dịch vụ từ những mô hình trong Nhân dân như vừa đề cập cũng sẽ phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Thu Hường - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết