Laocaitv.vn - Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, cùng với đó là sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin nên con trẻ rất dễ tiếp cận với các nội dung giải trí trên các trang mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook… Tuy nhiên, bên cạnh các clip có nội dung phù hợp với trẻ thì vẫn còn không ít clip mang nội dung xấu, độc hại, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ. Chính vì vậy, việc dạy trẻ sử dụng smartphone thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao để bảo vệ trẻ trước những clip độc hại là việc làm thực sự cần thiết.
Cùng con lựa chọn những clip bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.
Mỗi ngày, chị Phạm Thị Phương ở phường Lào Cai, TP Lào Cai đều dành cho các con 30 phút để xem các chương trình giải trí trên Youtube. Ở lứa tuổi của các bé, những clip vui tươi, sinh động với hình ảnh hấp dẫn luôn rất thu hút. Tuy nhiên, do các con còn nhỏ nên chị Phương luôn kiểm soát các nội dung mà các con xem, cũng như trò chuyện để con chia sẻ những vấn đề gặp phải trên không gian mạng và hướng dẫn con cách lựa chọn những chương trình thiếu nhi thực sự bổ ích. Chị Phương chia sẻ: “Tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của mạng internet với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với công nghệ số cũng mang lại những tác động tiêu cực. Từ những kiến thức và sự thấu hiểu đó gia đình cũng giới hạn thời gian xem tivi, điện thoại mỗi ngày của các con. Nhưng quan trọng nhất là mình chia sẻ, nói chuyện với các con về những nội dung không tốt, cách nhận biết những kênh xấu, từ đó các con trao đổi lại với mẹ để có những can thiệp kịp thời”.
Phụ huynh thường xuyên trao đổi, chia sẻ và hướng dẫn con tránh khỏi clip độc hại.
Internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích về kiến thức, giải trí, học tập của các clip trên internet mang lại cho trẻ. Tuy nhiên, ở độ tuổi mầm non, tiểu học, trẻ chưa thể phân biệt rõ được clip mình xem mang tính giáo dục hay không. Các bé xem vì thích những thứ màu mè, mới lạ hay có những nhân vật mình yêu thích. Do đó, để tránh những clip xấu, độc hại khi giao thiết bị có kết nối internet cho trẻ, cha mẹ cần có hình thức kiểm soát, định hướng phù hợp. Đừng xây một bức tường thép bao quanh con bằng những lệnh cấm mà hãy là một hàng rào bảo vệ con với những chia sẻ, đồng hành, hướng dẫn để con lựa chọn những clip bổ ích mà lý thú. Em Trần Khánh Linh, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cho biết: “Bố mẹ hướng dẫn con lựa chọn những kênh không xấu với trẻ em, những kênh truyện cổ tích Việt Nam, quà tặng cuộc sống... Thường con chỉ xem 10 - 15 phút, ngoài thời gian đó con giúp bố mẹ làm việc nhà, học bài và đọc sách để chúng ta có lòng tự trọng, tự tin, nhân ái và giúp đỡ người khác”.
Chị Phạm Thị Ngọc, phụ huynh của em Khánh Linh cũng cho biết thêm: “Bố mẹ và con cái chia sẻ với nhau ngay từ khi các cháu đang học mẫu giáo. Nó là cả một quá trình dạy và rèn các cháu cho nên bây giờ tự các cháu đã nhận thức được không xem các clip độc hại, không phù hợp với lứa tuổi của mình”.
Tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ chính là lá chắn tốt nhất bảo vệ con trẻ.
Trẻ em như búp trên cành, là mầm non tương lai của đất nước. Và để bảo vệ các con, ươm mầm những hạt giống xanh tốt thì cha mẹ chính là những người giữ vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu hãy luôn dành thời gian cho con cái của mình, hướng dẫn, kiểm soát các con trước những clip trên mạng xã hội và quan trọng hơn cả là tạo dựng cho con một môi trường sống lành mạnh, thấu hiểu, sẻ chia và định hướng con tham gia những hoạt động bổ ích như đọc sách, thể dục thể thao. Có như vậy, chắc chắn các con sẽ có một lá chắn bảo vệ hoàn hảo để lớn lên trong tình yêu thương và phát triển một cách toàn diện.
Bài, ảnh: Thùy Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết