Laocaitv.vn - Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp dạy nghề được lựa chọn theo nhu cầu, với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, từ đó giúp người lao động học nghề nhanh, sau học nghề có thể ứng dụng vào thực tế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Lớp dạy nghề trồng rau an toàn được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát tổ chức tại xã Trịnh Tường.
Năm 2019, sau khi tham gia lớp dạy nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát, anh Nguyễn Văn Ngàn mạnh dạn thành lập đội thợ xây với 12 thành viên, nhận thi công các công trình xây dựng tại địa phương. Đội thợ dần lành nghề, từ chỗ chỉ nhận các công trình nhỏ, nay anh Ngàn đã đảm nhiệm được nhiều công trình lớn, thu nhập cũng từ đó tăng dần lên. Anh Nguyễn Văn Ngàn, thôn Làng Quang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát chia sẻ: "Kết thúc khóa học có nhiều anh em kết hợp cùng tôi thành lập đội xây dựng, giúp đỡ gia đình có thêm thu nhập, ổn định kinh tế".
Lớp dạy nghề trồng rau an toàn được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát tổ chức tại xã Trịnh Tường, với 35 học viên là người dân tộc thiểu số của thôn Bản Trung. Lớp học sẽ kéo dài 2 tháng, cũng là một chu kỳ sinh trưởng của cây rau. Như thế, học viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về kỹ thuật trồng rau an toàn: từ làm đất, chọn giống, cách bón phân hợp lý, an toàn; quản lý dịch hại cho tới thu hoạch và bản quản sản phẩm. Chị Vàng Thị Nhục, thôn Bản Trung, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát tâm sự: "Trước đây chị em chúng tôi chưa có kỹ thuật trồng rau, chủ yếu là trồng theo kinh nghiệm của ông, bà để lại. Bây giờ đã được học và áp dụng kỹ thuật trồng rau an toàn để sau này phát triển kinh tế trong gia đình".
Đào tạo nghề cơ khí cho người lao động.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng huyện đã tổ chức được 05 lớp dạy nghề cho cho 172 lao động nông thôn tại các xã vùng cao; các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là cơ khí, xây dựng, điện dân dụng, kỹ năng du lịch cộng đồng, chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 54,46%, tạo việc làm mới cho 1.500 lao động. "Hàng năm căn cứ vào nhu cầu đạo tạo nghề của các xã cũng như của người lao động để mở các lớp đạo tạo gắn với giải quyết việc làm. Trong công tác giải quyết việc làm chúng tôi thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo", ông Phạm Thế Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bát Xát cho biết.
Có thể thấy rằng, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân. Người lao động sau khi học nghề đã ứng dụng vào thực tế lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Quang Phấn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết