Biến gỗ thừa thành sản phẩm xuất khẩu

11:30 23-04-2025 | :2

Laocaitv.vn - Những mẩu gỗ vụn thường là thứ bỏ đi, làm củi đun nhưng với chàng trai trẻ Phạm Văn Thế ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, đó lại là chất liệu để bắt đầu một hành trình đặc biệt – hành trình “thổi hồn vào gỗ". Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những mẩu gỗ thừa đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thu về giá trị kinh tế cao. 

Những mảnh gỗ tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo, đã trở thành những sản phẩm gia dụng.

Trong xưởng sản xuất rộng khoảng 1.000 m² này, mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm gia dụng như như bát, đĩa, đũa, muôi, thìa bằng gỗ ra đời. Những sản phẩm được chế tác thủ công từ thân cây nhãn, quế, vải là loại gỗ thông thường, phổ biến trong vườn mỗi nhà dân. Anh Phạm Văn Thế, Chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ chia sẻ: "Làm đồ mộc, làm ra những cái thìa, thấy hay thì mình làm. Lúc đầu rất khó khăn, sau đấy anh em bảo nhau, cũng không biết mình là được từ lúc nào nữa".

Sản phẩm được đánh bóng hoàn thiện chuẩn bị xuất khẩu ra các thị trường khó tính.

Khởi nghiệp vào năm 2021, trải qua những năm tháng khó khăn về vốn, nhân lực, thị trường, đến nay, xưởng của anh Phạm Văn Thế đã sản xuất ổn định 50.000 sản phẩm mỗi tháng, trong đó 70% xuất khẩu tới Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện, cơ sở sản xuất đang tạo việc làm cho 10 lao động chính và 10 lao động thời vụ. Bà Quàng Thị Sa Cư, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết: "Trước đây, mình đi phụ hồ. Đến đây, mình chỉ đi ngồi mài thìa thôi thì nhàn hơn nhiều. Anh Phạm Văn Thế - chủ xưởng dạy từng giai đoạn, mình cũng học dần dần thành quen, thu nhập cũng cao hơn".

Vụn gỗ, phế phẩm song vẫn được anh Thế tận dụng để làm ra những chiếc muôi, thìa và nhiều đồ gia dụng xinh xắn, đáng yêu và điều quan trọng là được thị trường khó tính chấp nhận. Anh Phạm Văn Thế, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ chia sẻ: "Trong tương lai sẽ xây dựng thêm một số nhà xưởng và hoàn thiện thêm một số khâu như là đóng gói sản phẩm, tìm những kênh liên lạc, kênh bán hàng trực tiếp ở những nước đối tác để mình xuất trực tiếp chứ không phải qua công ty xuất khẩu trung gian nữa".

Từ thứ tưởng chừng bỏ đi, dưới bàn tay của những người thợ đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, đó là kết quả của sự kiên trì, sáng tạo và tư duy kinh tế nhạy bén. Phát triển kinh tế nhiều khi không phải từ những điều lớn lao mà khởi nghiệp thành công lại đến từ mẩu gỗ vụn.

Vương Mây - Tuấn Linh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết