Cần quan tâm phát huy những di tích, phế tích lịch sử văn hóa
17:32 18-04-2025
| :52
Laocaitv.vn - Tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát hiện nay vẫn còn những di tích, phế tích của những công trình trên 100 năm tuổi được xây dựng từ đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị vùng đất này. Những công trình cổ này, mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay các công trình đã hư hỏng, chưa được quan tâm bảo tồn, ít người biết tới.
Là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở phố núi Trịnh Tường, huyện Bát Xát, năm nay đã 85 tuổi, mỗi ngày đi qua cổng chợ Trịnh Tường, ông Vùi Văn Sun, thôn Phố Mới 1, lại nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ. Đặc biệt là những ký ức về khu nhà cổ do người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm, khi xâm lược và cai trị vùng đất Trịnh Tường.
“Ngày xưa tôi lên đây có 4 lô cốt, có 1 hàng nhà ngang các quan sếp ở. Khi họ rút thì cho người về lấy rơm đốt hết 4 lô cốt và 4 cái nhà trên này nữa. Nhà này có cổng xây bờ rào hết rồi, dân chỉ có đi lại phố trên, phố dưới” ông Sun kể lại.
Ông Vùi Văn Sun kể ký ức về khu nhà cổ do người Pháp xây dựng ở Trịnh Tường.
Đến nay, tại chợ Trịnh Tường vẫn còn 1 chòi canh còn khá nguyên vẹn và 1 chòi canh còn lại một nửa. Tuy công trình xây dựng đã lâu, không sử dụng xi măng, nhưng vẫn còn rất kiên cố. Những năm gần đây, khi thuê, mượn lại công trình này làm nơi ở và bán hàng, người dân đã xây bịt các cửa sổ và cải tạo lại phía bên trong chòi canh, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc công trình.
Còn đây là những phế tích của một khu đồn bốt xưa. Theo người dân trong vùng, đây chính là dấu tích còn lại khu đồn bốt do thực dân Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm. Trải qua nhiều năm tháng công trình bị hư hỏng do chiến tranh, do mưa gió và người dân đập đi để lấy gạch, đến nay chỉ còn là phế tích.
Ông Bùi Văn Phong, trú tại thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường, cho biết: “Các cụ kể lại ngày xưa Điện Biên Phủ thì giặc Pháp ở trên này, bốt Sề Cồ Tỉn ở bên kia, hai cái này là quan trọng nhất. Cứ điểm này rất quan trọng, trực thăng đi từ đây đến Phìn Hồ, từ Phìn Hồ lại đi Điện Biên Phủ”.
Trước thực trạng xuống cấp của các di tích, chính quyền địa phương đã có một số biện pháp tạm thời để gìn giữ. Ông Lý Văn Sỉn – Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: “Đối với những di tích lịch sử hiện tại còn 2 cái bốt xã cho dân mượn để bán hàng tạp hóa, đồng thời quán triệt không cho sửa sang, chỉ lợp phần mái trên thôi, nếu để lâu ngày không có người ở nó sẽ xuống cấp. Còn cái chốt cũng có 1 cái nhà xây cấp 4 nhưng lâu ngày rồi giờ tường đã bị đổ còn lại chân tường, xung quanh đó dân cũng đã trồng cây, còn chân tường xã vẫn giữ, bà con làm nương không được động đến. Xã cũng muốn cấp trên xem lại để giữ lại lịch sử từ xưa đến giờ, để khách thập phương đến biết được lịch sử của xã Trịnh Tường”.
Phế tích đồn bốt Pháp hơn 100 năm tuổi ở Trịnh Tường.
Mong rằng, trong thời gian tới, các di tích, phế tích lịch sử văn hóa tại xã Trịnh Tường sẽ được quan tâm tu bổ, trở thành điểm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và gắn với phát triển du lịch địa phương.
Tuấn Ngọc - Tất Đạt - Đình Hiếu
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết