Laocaitv.vn - Trong thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, người dân vùng cao Lào Cai chưa từng biết tới cái chữ, cuộc sống tăm tối, nhưng đó là câu chuyện của quá khử. Đất nước độc lập, giáo dục được đầu tư, bà con giờ đã quan tâm nhiều hơn tới việc học của con em mình. Như tại thôn Mào Sao Chải, bản người Mông ở trung tâm xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, con em ở đây không chỉ được tới trường học chữ, mà cánh cửa các trường đại học, cao đẳng ngày cũng càng rộng mở, tạo ra tương lai tươi sáng cho vùng đất này.
Bà Sáo vui mừng vì vượt qua bao khó khăn cho các con đi học, giờ đây đã có được thành quả.
Gia đình khó khăn, đông con, nhưng 5 trong số 7 người con của bà Giàng Thị Sáo đều được đi học, có người còn học tới đại học. Đây là nỗ lực lớn của vợ chồng bà Sáo, bởi ông bà sớm nhận ra học được cái chữ, có được tri thức thì đời các con mới có cơ hội để đổi thay. Bà Giàng Thị Xóa, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Trước thì vất vả nhiều lắm nhưng bây giờ thì khác, con có học hành nên về biết cách làm ăn. Con tôi trồng cây cũng khác hẳn với cách trồng trước kia".
Thào A Long tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau đó trở về quê để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Mặc dù không đúng chuyên ngành, nhưng những thay đổi trong nhận thức nhờ khoảng thời gian theo học đại học giúp anh thêm mạnh dạn, quyết tâm với hướng đi mà mình đã chọn. Anh Thào A Long, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Khi tôi đi học, thì cái tư tưởng của tôi đã khác hẳn rồi. Tôi thấy được bên ngoài có rất nhiều cái hay để học hỏi, áp dụng được vào thực tế. Tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia phát triển kinh tế ở vùng cao".
Mào Sao Chải hiện có 51 người học đại học, 1 người học sau đại học, chưa kể cao đẳng, trung cấp. Đây thực sự là con số ấn tượng với một thôn người Mông ở vùng cao chỉ có hơn 600 nhân khẩu với 145 hộ. Kết quả này có được, phần lớn nhờ thay đổi trong nhận thức của bà con về sự học của con em mình. Anh Thào A Sàn, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Ngày nhỏ chỉ có cơm trộn ngô thôi, nhưng tôi vẫn được đi học. Bố mẹ vay mượn cho tôi đi học nội trú, đến giờ thì tôi đã được về xã công tác để cống hiến cho quê hương mình".
Bản Mông hiếu học Mào Sao Chải đang khởi sắc từng ngày.
Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Xã có truyền thống hiếu học, nhiều gia đình có con em đỗ đại học, cao đẳng, ra trường có công ăn việc làm ổn định. Con em xã Sín Chéng còn được tham gia lao động học tập tại nhiều địa phương, đây là niềm tự hào của chúng tôi, góp phần nâng cao dân trí ở đồng bào dân tộc thiểu số".
Trở lại với bản Mông hiếu học Mào Sao Chải, theo chuẩn nghèo mới, toàn thôn vẫn còn tới 67 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo, nhưng không thể phủ nhận, diện mạo của bản đang khởi sắc từng ngày. Những nếp nhà thêm khang trang hơn, những thế hệ thanh niên lanh lợi, tự tin với hành trang học vấn, sẵn sàng cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết