Cô giáo Ngô Xa Mạ dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1 tại điểm trường.
Hơn 20 năm qua, cô gái người Xa Phó Ngô Xa Mạ đã tập đứng, tập đi bằng đôi chân không lành lặn của mình. Và đôi chân ấy đã đưa cô giáo Mạ đi khắp những thôn, bản để dạy chữ cho học trò nghèo. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai, cô giáo Ngô Xa Mạ đã nhận nhiệm vụ ở xã Cao Sơn, huyện Mường Khương, rồi đến xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, đứng lớp dạy tiếng Anh cho những cô cậu học trò người Mông, người Dao. Trong đó có nhiều em tiếng phổ thông còn chưa đọc thông, viết thạo. Cô giáo Ngô Xa Mạ, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Giàng Phìn, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: "Phải kiên trì từng tí một, tôi vừa nói, vừa làm thao tác để các em nhớ được, về nhà biết để tự ôn tập. Có khi cả ngày tôi chỉ dạy được 4 từ thôi".
Những niềm vui mỗi giờ lên lớp với học trò đã giúp cô giáo Mạ vơi bớt những mặc cảm của bản thân do bị khuyết tật bẩm sinh. Không đủ sức khỏe để tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, cô giáo Mạ đầu tư hầu hết thời gian vào việc chuẩn bị những bài giảng tốt nhất cho học trò của mình. Em Sùng Thị Pai, học sinh Trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phìn, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Em rất thích học tiếng Anh. Cô Mạ giảng rất là dễ hiểu, nhất là được xem các bài hát và video bằng tiếng Anh nữa".
Hình ảnh liêu xiêu của cô giáo Ngô Xa Mạ mỗi buổi tới trường đã khiến cho tất cả phụ huynh, học trò, đồng nghiệp đều nể phục nghị lực và ý chí của cô giáo người Xa Phó kém may mắn này. Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Giàng Phìn, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: "Dù cô giáo Mạ mới dạy ở đây từ đầu năm thôi nhưng chúng tôi nhìn thấy quyết tâm của em. Chúng tôi luôn tuyên truyền cho các học sinh nhìn gương cô giáo để phấn đấu".
Tại thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh, quê hương của cô giáo Ngô Xa Mạ không có nhiều thanh niên theo đuổi con đường học tập. Vượt lên khiếm khuyết của bản thân để học được cái chữ, cô gái người Xa Phó Ngô Xa Mạ đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo, gieo tình yêu con chữ cho trẻ vùng cao, là tấm gương về ý chí và nghị lực vượt khó cho học sinh nơi đây.
Bài, ảnh: Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết