Giải pháp lâu dài khắc phục tình trạng phụ nữ bán hàng rong ở Sa Pa
19:45 19-10-2021
| :1267
Laocaitv.vn - Tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong đã tồn tại ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa rất nhiều năm qua. Dù đã có nhiều giải pháp, song vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng này chưa được giải quyết một cách triệt để. Nhưng mới đây, tại xã Tả Phìn, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có một cách làm để có thể dần xoá bỏ tình trạng này. Hy vọng giải pháp hiệu quả này sẽ được áp dụng tại các điểm tham quan du lịch khác của thị xã Sa Pa.
Chị em phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định hơn từ khi tham gia vào Hợp tác xã du lịch cộng động Tả Phìn.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị Lý Mắn Mẩy ở thôn Sả Sén chủ yếu đi bán hàng rong và dẫn đường cho du khách. Nhưng từ khi dịch bùng phát, khách không đến, chị Mẩy gần như không còn nguồn thu nào. Được chính quyền vận động tham gia vào Hợp tác xã du lịch cộng động Tả Phìn, thu nhập của chị đã ổn định hơn. Từ đây, chị Mẩy và nhiều chị em khác từng bán hàng rong, đeo bám khách đã nhận ra tầm quan trọng khi có một công việc ổn định. "Khi tham gia vào hợp tác xã chúng tôi đã hiểu rằng không được bán hàng rong, đeo bám du khách nữa, như vậy mới giữ được bản sắc đồng bào mình", chị Lý Mắn Mẩy, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Việc hình thành các hợp tác xã, các hội nhóm cùng sở thích góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn hiện có 40 xã viên. Trong đó có tới 80% là những người từng tham gia bán hàng rong, đeo bám khách. Tham gia vào hợp tác xã, các chị được nâng cao kỹ năng thêu thùa để tạo ra sản phẩm lưu niệm, được trang bị kỹ năng bán hàng, được hướng dẫn cách khai thác giá trị từ bản sắc văn hoá dân tộc mình để phục vụ du lịch. "Hiện nay, chúng tôi có một địa điểm để tái hiện lại văn hoá của người Dao, khi khách du lịch đến chị em phụ nữ sẽ là người giới thiệu bản sắc của mình đối với du khách", chị Lý Tả Mẩy, Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết.
Việc hình thành các hợp tác xã, các hội nhóm cùng sở thích gắn với lợi thế của địa phương đã thu hút được một số lượng lớn phụ nữ địa phương tham gia. Ngay cả thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng đến du lịch thì các sản phẩm do chị em làm ra như thổ cẩm, thuốc tắm...vẫn được tiêu thụ tốt thông qua các đơn hàng từ khắp nơi đặt mua.
Chính quyền địa phương cũng đang xúc tiến những dự án mới để thu hút ngày càng nhiều hơn sự tham gia của người dân, gia tăng thu nhập, tiến tới xoá bỏ tình trạng bán hàng rong, đeo bám du khách trên địa bàn. "Hiện, xã đã hình thành các chuỗi sản xuất, ở đây người dân có đất sẽ góp đất và rồi làm công nhận lương hàng tháng, việc này đã giải quyết được sinh kế cho người dân, đồng thời giải quyết được tình trạng phụ nữ, trẻ em đi bán hàng rong", ông Đỗ Minh Trí, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa nói.
Với những cách làm này, trong thời gian tới khi du lịch được phục hồi, du khách đến với Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, không khí trong lành, những sắc màu văn hóa dân tộc độc đáo mà còn có những phút giây thoải mái, không bị làm phiền bởi tình trạng người bán hàng rong đeo bám như trước đây.
Đức Tính - Xuân Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết