Giải pháp tháo gỡ tình trạng học sinh tảo hôn tại Si Ma Cai

09:39 26-06-2020 | :934

Laocaitv.vn – Trong bài viết “Gia tăng nạn tảo hôn tại trường học vùng cao” đã phản ánh thực trạng học sinh tại xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai có dấu hiệu tảo hôn sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là thực trạng đáng lo ngại tại nhiều trường học, nhiều địa phương của Si Ma Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu các ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng tảo hôn ở vùng cao Lào Cai.

Em Giàng Thị Sở sẽ được tiếp tục đến trường cùng các bạn.

Giàng Thị Sở, thôn Sỉn Chù, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai lấy chồng đã được hơn 2 tháng. Sau 3 lần bị thanh niên kéo về làm vợ, Sở đã chấp nhận đi làm dâu khi chưa tròn 16 tuổi và vẫn chưa học xong lớp 9. Sở may mắn được gia đình chồng cho phép về nhà mẹ đẻ để tiếp tục theo học hết trung học cơ sở. Đang tuổi lớn nên cô bé Giàng Thị Sở tha thiết được đến trường nhưng trong thâm tâm em lại e ngại khi trở lại học tập. Giàng Thị Sở chia sẻ: “Em lấy chồng rồi thì việc học tập cũng không được thuận lợi như trước nữa. Xin phép thì cũng phải mất một thời gian gia đình bên chồng em mới đồng ý để em được tiếp tục đi học”.

Có thể thấy, nhờ công tác tuyên truyền vận động, đã có một bộ phận người dân nhận thức được những hệ lụy của việc tảo hôn, nhưng thực tế thì tình trạng tảo hôn có dấu hiệu gia tăng tại một số địa phương của Si Ma Cai. Theo báo cáo của ngành Giáo dục huyện, tới thời điểm này, toàn huyện có hơn 80 học sinh tảo hôn và chỉ có số ít trong đó là quay trở lại trường để tiếp tục học tập. Trước kia, đám cưới của người Mông ở Si Ma Cai không thể thiếu các ông mai, bà mối, nhưng đa phần các trường hợp tảo hôn thời gian vừa qua, các gia đình tự cho con về ở với nhau, không qua mai mối. Chính vì vậy, càng khó hơn trong việc nắm bắt và xử lý các trường hợp này, nếu không có các giải pháp quyết liệt từ chính quyền địa phương. Ông Giàng Seo Xăm, Chủ tịch UBND xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức ký cam kết với 500 hộ dân, chủ yếu là các hộ có con dưới 18 tuổi. Cam kết không cho con tảo hôn hay hôn nhân cận huyết, nếu vi phạm thì chúng tôi xử lý theo hương ước, quy ước”.

Cần phải thường xuyên tuyên truyền, nắm bắt tình hình ở cơ sở.

Ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt được thông tin qua báo cáo của Phòng Giáo dục Đào tạo và các địa phương. Sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ huyện, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị về công tác tự quản trong vấn đề này. Phát huy vai trò của các tổ tự quản để giảm thiểu tình trạng tảo hôn đang diễn ra như hiện nay”.

Huyện Si Ma Cai đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020". Tuy nhiên, nếu tình trạng tảo hôn vẫn gia tăng như thời điểm hiện tại thì rất khó để đề án đạt được hiệu quả như mong muốn. Lạm dụng tục kéo vợ, tư tưởng muốn có thêm người lao động trong nhà cần phải được loại bỏ. Điều này chỉ thực hiện được khi có sự vào cuộc thực sự của các ban ngành, các địa phương, vai trò của người uy tín và của chính các gia đình. Như vậy thì mục tiêu giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mới có thể trở thành hiện thực./.

Thu Hường – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết