Laocaitv.vn - Khắc phục những khó khăn trong dạy và học tập trực tuyến, ngành Giáo dục thị xã Sa Pa đã có nhiều nỗ lực để tự tạo ra những giải pháp trong triển khai dạy và học ở những trường điểm vùng cao còn khó khăn, với mục tiêu cuối cùng là rút ngắn khoảng cách, giảm thiệt thòi trong học tập cho các em học sinh nơi đây.
Kỳ 2: Dạy và học tại các trường ở Sa Pa: Biến khó khăn thành thuận lợi
Cuối tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020, quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện". Quy định này vừa định hướng, vừa giảm áp lực dạy và học đối với cả thầy và trò, nhất là ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Sa Pa.
Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: "Hướng dẫn điều chỉnh dạy và học của Bộ đã rất rõ ràng, dễ vận dụng cho giáo viên. Đây Là cơ sở thuận lợi để giáo viên triển khai trong thực tế, đảm bảo kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học sinh".
Đúng như tinh thần của Bộ giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục thị xã Sa Pa đã thông qua nhiều kênh để tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn phối hợp tích cực với nhà trường trong công tác giáo dục, dạy học cho con em mình. Tại địa bàn vùng cao khó khăn như xã Mường Bo, có thể nói, chưa bao giờ phụ huynh lại quan tâm đến việc học của con em mình như bây giờ. Bằng tất cả những điều kiện có thể, bà con cố gắng trang bị thiết bị học tập, sẵn sàng tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để kèm cặp con em mình.

Phụ huynh dành thời gian kèm cặp các con học bài trong mùa dịch bệnh.
Trong khoảng thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giáo viên tại các địa bàn khó khăn của thị xã Sa Pa không đi tới tận nhà để giao bài cho học sinh như trước kia. Thay vào đó, mỗi điểm trường thôn sẽ được tận dụng làm nơi giao bài cho các nhóm học sinh trong khu vực. Nhờ sự phối hợp tốt giữa giáo viên với cha mẹ học sinh, những phiếu giao bài đã đến với các em một cách nhanh nhất.
Chị Chảo Mùi Ghển, ở thôn Sín Chải A, xã Mường Bo cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi phân công một người đi lấy bài và nộp bài cho các con. Dù bận, nhưng buổi tối chúng tôi vẫn tranh thủ dạy thêm cho các con, tuy không thể bằng việc đến trường học, nhưng như vậy cũng tốt hơn cho các con".

Phiếu giao bài tập được đặt tại mỗi điểm trường thôn để phụ huynh đến lấy.
Thầy giáo Vũ Kim Tư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Phú, thị xã Sa Pa cho biết thêm: "Qua thực tế điều tra chúng tôi lựa chọn hai phương án đó là gửi bài qua Zalo hoặc phát phiếu cho các em học tại nhà đối với các thôn khó khăn. Qua thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ việc cho học sinh ôn luyện kiến thức tại nhà như hiện nay; từ đó tránh được tình trạng các em đi chơi không an toàn hoặc thời gian nghỉ dài ảnh hưởng đến vấn đề học tập của các em".
Theo những định hướng về kiến thức đã được đưa ra, ngành Giáo dục Sa Pa đã và đang có những cách làm linh hoạt trong việc triển khai, đặc biệt là duy trì tốt mối liên hệ gia đình – nhà trường trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh khi các em chưa thể đến trường. Khi đã huy động được Nhân dân tham gia tích cực vào việc dạy học cho con em mình, việc tự học ở nhà của các em sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, ngay cả trong điều kiện không có máy tính hay điện thoại thông minh.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết