Laocaitv.vn - Một nguyên nhân dẫn đến nghèo khó là bởi người lao động không có kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất. Nhờ xác định rõ như vậy, nên trong thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai đã đặc biệt chú trọng đào tạo, tập huấn nghề cho người lao động, đặc biệt là với lao động ở khu vực nông thôn. Từ những lớp nghề được tổ chức khá linh hoạt, đa dạng, ngắn ngày chủ yếu theo hướng cầm tay chỉ việc đã giúp nhiều bà con nâng lên đáng kể hiệu quả lao động sản xuất.

Hướng dẫn bà con nông dân cách trồng, chăm sóc chè.
Đã từ lâu, xã Bản Xen được xem là vùng nguyên liệu chủ lực của Công ty cổ phần chè Thanh Bình, người dân nơi đây đã có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng chè. Vậy nhưng chỉ đến khi được các cán bộ của Trung Tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc chè theo đúng quy trình VietGAP năng suất và sản lượng chè của bà con nơi đây mới được nâng lên đáng kể. Cụ thể trong năm 2019, sản lượng chè ở đây tăng từ 6 đến 8 tấn/ha, so với khi bà con chưa được tập huấn về kỹ thuật trồng chè an toàn. Chị Trần Thị Hà, thôn Na Phả, xã Bản Xen, huyện Mường Khương cho biết: "Trước kia tôi chưa biết thế nào là chè sạch an toàn, thế nhưng từ khi tham gia mô hình, được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tôi biết cách chăm sóc cây chè. Thường xuyên kiểm tra, khi nào có sâu bệnh thì mới được phun, mà phải phun loại thuốc không có độc tố cao, thuốc sinh học để đảm bảo an toàn cho cây chè".
Mặc dù đã chọn nghề nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình từ nhiều năm, song anh Chảo Láo Lở, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Lý do là trong thôn có nhiều hộ nuôi lợn, song mạnh ai nấy làm, mua bán tuỳ giá, không tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh. Sau khi được địa phương tổ chức thành nhóm đồng sở thích, lại được tham gia các lớp tập huấn, hiệu quả chăn nuôi của anh Lở và các hộ gia đình đã được nâng lên đáng kể.

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Lở.
Trong những năm qua, việc đào tào nghề cho nông dân đã được các địa phương quan tâm, triển khai, đặc biệt là dựa theo thế mạnh, thói quen và đặc thù của từng vùng. Các địa phương cũng chủ động chỉ đạo các tổ chức hội phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân thêm tự tin, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Thoa, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Con giống, cám, chuồng trại cũng là quan trọng, nhưng với chúng tôi kiến thức học hỏi để vận dụng vào thực tế còn quan trọng hơn. Không phải mình chỉ nuôi một lứa, mà mình còn nuôi nhiều nữa, vì vậy được tham gia các lớp tập huấn là rất ý nghĩa".
Những điển hình mà chúng tôi đã đề cập cho thấy bà con nông dân cơ bản đều đã chủ động lựa chọn được những mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do còn hạn chế về kiến thức khoa học kỹ thuật nên thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi chậm được cải thiện. Do vậy, những lớp đào tạo, tập huấn, bổ sung kiến thức trong phát triển kinh tế sẽ giúp bà con thêm vỡ vạc, vận dụng hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết