Laocaitv.vn - Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, những chương trình, dự án giảm nghèo của tỉnh Lào Cai đã giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Và một trong những yếu tố quan trọng để giải bài toán thoát nghèo và giảm nghèo bền vững đó là hỗ trợ phát triển sinh kế thay cho những ưu đãi trực tiếp. Ghi nhận tại xã vùng cao Cao Sơn, huyện Mường Khương.

Diện tích cây su su của gia đình ông Sùng Chúng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Trồng cây su su là một trong những mô hình được Cao Sơn triển khai theo đề án Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nghèo bền vững của huyện Mường Khương giai đoạn 2016 - 2020 nhằm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tham gia dự án có 65 hộ, trồng thí điểm 12,5 ha tại các thôn, như Lồ Suối Tủng, Pa Cheo Phìn A, Ngải Phóng Chồ, Sả Lùng Chéng. Với hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, khi tham gia dự án các hộ dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây su su, được hỗ trợ giống, phân bón, cọc, hệ thống dây làm giàn, còn bà con chủ động bỏ công làm đất, ngày công lao động, chăm sóc cây trồng.
Đầu năm nay, được sự vận động của chính quyền địa phương ông Sùng Chúng, thôn Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn đã tham gia trồng 0,4 ha su su trên diện tích trồng ngô kém hiệu quả của gia đình. Tới thời điểm này, cây su su sinh trưởng và phát triển tốt, đã bắt đầu cho thu hoạch, tạo thêm niềm tin cho gia đình ông về hướng phát triển kinh tế còn khá mới mẻ này. “Những năm trước thì chỉ có ngô với lúa nương, cũng không có gì thu nhập được. Nhà nước có chương trình trồng cây su su thì gia đình tôi cũng tham gia để xem có phát triển được không. Đi họp thôn bà con cũng bảo là: Không làm, nếu trồng cây mà giàu thì từ trước đã giàu rồi. Nhưng mà tôi vẫn mạnh dạn tham gia làm để cho người dân thấy”, ông Sùng Chúng chia sẻ.

Mô hình trồng cây su su ở Cao Sơn được thực hiện theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hỗ trợ phát triển sinh kế là chủ trương đúng và trúng để Cao Sơn nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo theo lộ trình đã đề ra. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ đẩy mạnh và nâng cao tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Cao Sơn. Tuy nhiên, do mới là năm đầu trồng thử nghiệm vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết để hướng đi mới này phát huy được hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Duy Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “Có một số khó khăn, như người dân chưa tin tưởng vào đầu ra lắm. Kỹ thuật chăm sóc chưa tốt nên kết quả chưa cao. Tới đây, Đảng ủy xã sẽ có những chương trình tập huấn cho người dân để đạt hiệu quả hơn”.
Không chỉ riêng ở Cao Sơn mà nhiều địa phương khác ở Lào Cai, những chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những hỗ trợ ấy không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nông dân nghèo mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con, xóa tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên để giảm nghèo bền vững.
Thu Hường - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết