Chị Giàng Thị Chá (phải ảnh) có thu nhập hằng tháng ổn định nhờ may trang phục truyền thống.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lào Cai với nhiều cơ hội việc làm nhưng chị Giàng Thị Chá, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai đã chọn theo nghề may trang phục truyền thống của dân tộc. Trong 5 năm qua, đã có rất nhiều bộ váy áo sặc sỡ mang đậm bản sắc vùng cao được tạo ra từ những đường kim, mũi chỉ qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ thôn Mào Sao Phìn. Sau khi trừ các loại chi phí, mỗi năm cho gia đình chị nguồn thu tầm 180 triệu đồng. 50 bộ váy áo Mông truyền thống, có giá bán từ 3 - 4 triệu đồng/bộ cũng đang chuẩn bị được xuất sang nước Mỹ. Chị Giàng Thị Chá chia sẻ: "Bây giờ tôi đang xuất sang nước Mỹ, Pháp, Thái Lan và Lào. Nước đặt hàng nhiều nhất là nước Mỹ".
Từ quy mô nhỏ lẻ, bán tại các chợ phiên vùng cao, với sự năng động của tuổi trẻ, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… chị Chá đã chuyển sang bán online, theo đơn đặt hàng. Từ đó đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, 7 - 8 lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình từ 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Giàng Thị Lan, thôn Bản Kha, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây được 1 năm rồi. Công việc hằng ngày của tôi là may váy, yếm, đai mũ…. Thu nhập hằng tháng của tôi là 4 triệu đồng. Từ khi làm ở đây tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc may trang phục truyền thống".
Chị Giàng Thị Chá trao đổi với khách hàng qua mạng xã hội.
Trong thời gian vừa qua, nhiều gia đình may trang phục truyền thống ở Si Ma Cai nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung phải tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng những chiếc máy khâu của gia đình chị Chá vẫn hoạt động thường xuyên nhờ việc bán hàng qua mạng xã hội. Chị Chá cho biết: "Trước đây tôi đã được học may, thêu hoa văn, may trang phục cách tân để bán tại các chợ phiên phục vụ người dân của mình. Sau đó tôi có sử dụng mạng xã hội Facebook để bán thì rất may là kết nối được với các nước".
Bà Ly Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Hiện tại ở xã có nhiều hộ may trang phục nhưng chủ yếu là may theo cách tân, còn chỗ nhà chị Chá này thì vẫn may theo váy áo truyền thống của ngày xưa. Chị Chá còn hướng dẫn chị em làm theo, tạo việc làm cho chị em, hiện trang phục của chị không chỉ bán trong huyện, trong nước mà còn bán ra cả nước ngoài".
Niềm đam mê sáng tạo đã giúp chị Giàng Thị Chá khởi nghiệp thành công với nghề may trang phục thổ cẩm dân tộc Mông. Đồng thời khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn.
Thào Sếnh – Tiến Sỹ
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết