Kỷ niệm 71 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2021) – Phát huy niềm tự hào, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước

16:11 01-11-2021 | :1969

Laocaitv.vn - Ngày 1/11/1950, tỉnh Lào Cai đã hoàn toàn được giải phóng, chính thức chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp. Những mốc son về một thời kỳ gian khổ nhưng cũng đầy tự hào luôn vẹn nguyên và được truyền lửa trong suốt những thế hệ người Lào Cai những năm qua. Người Lào Cai hôm nay quyết tâm khẳng định vai trò là tỉnh phát triển khá của vùng trung du, miền núi phía Bắc và trong tương lai không xa là tỉnh phát triển của cả nước.

Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới với mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, hướng chính của chiến dịch là địa bàn ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc và khai thông một phần đường biên giới Việt - Trung, nối liền khu căn cứ cách mạng đầu não của ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Phối hợp với hướng chính của chiến dịch, phía Tây Bắc mà địa bàn chính là tỉnh Lào Cai có nhiệm vụ đánh nghi binh, thu hút và kiềm chế quân địch, không để chúng ứng cứu cho mặt trận chính Cao - Bắc - Lạng.

Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương giao, Tỉnh ủy Lào Cai chỉ đạo các lực lượng địa phương ra sức tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia chiến dịch, tăng cường đưa cán bộ vào vùng địch chiếm đóng để vận động Nhân dân đấu tranh, cho lực lượng biệt động đột kích vào thị xã, thị trấn phá hủy các phương tiện chiến tranh của địch, gây rối làm hoang mang tinh thần quân địch.

Ngày 12/9/1950, thực hiện chỉ đạo của Khu 10, quân dân Lào Cai tổ chức các trận đánh lớn trên địa bàn nhằm hướng sự chú ý của địch ở Cao - Bắc - Lạng sang Tây Bắc. Ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Đông Khê mở màn Chiến dịch Lê Hồng Phong II trên hướng chính. Ngày 20/9/1950, quân dân Lào cai phối hợp cùng bộ đội chủ lực đánh địch và giải phóng Bắc Hà, ngày 22/9/1950 giải phóng Lùng Phình, ngày 27/9/1950 giải phóng Si Ma Cai.

Giữa lúc Chiến dịch Lê Hồng Phong trên hướng Lào Cai được đẩy mạnh, thì ngày 17/10/1950, trên hướng chính Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch kết thúc thắng lợi với trên 8.000 quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu và toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường số 4 bị triệt phá đã làm cho quân địch trên địa bàn Lào Cai hoang mang cực độ. Nhận định thời cơ giải phóng Lào Cai đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn quân, toàn dân Lào Cai đã tập trung phối hợp với hai trung đoàn bộ đội chủ lực 148, 165 quyết tâm đánh địch, giải phóng quê hương.

Ngày 25/10/1950, phía tả ngạn sông Hồng, quân dân địa phương đã phối hợp với Trung đoàn 165 tấn công và triệt phá đồn Bản Phiệt, truy kích bức rút địch trên đường Bản Phiệt - thị xã Lào Cai. Bên hữu ngạn sông Hồng, bộ đội địa phương phối hợp với Trung đoàn chủ lực 148 tấn công các đồn bốt địch ở Cam Đường.

Ngày 28/10/1950, Trung đoàn 165 và bộ đội địa phương tiến lên đánh chiếm Phố Tèo, sau đó cơ động qua sông đánh chiếm Phố Mới và Cốc Lếu. Tại Cốc Lếu và sân bay Lào Cai, lợi dụng công sự kiên cố, địch chống trả quyết liệt, trận chiến giữa ta và địch diễn ra giằng co. Với tinh thần quyết tâm dũng cảm đánh địch, ngày 29/10/1950, quân ta đã làm chủ thị xã Lào Cai và khu vực Cam Đường.

Ngày 30/10/1950, địch chống cự yếu ớt rồi tháo chạy khỏi thị xã Lào Cai và Cam Đường theo hướng Sa Pa. Ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai và Cam Đường được hoàn toàn giải phóng, Nhân dân ùa ra đường đón chào bộ đội, cờ hoa biểu ngữ đỏ ngập thị xã. Thừa thắng, quân ta chia thành 2 cánh quân truy kích đánh địch trên hai hướng Sa Pa và Bát Xát. Ngày 3/11/1950, cánh quân thứ nhất tấn công địch giải phóng Sa Pa, ngày 5/11/1950 giải phóng Bình Lư, ngày 12/11/1950 giải phóng Phong Thổ. Cánh quân thứ 2 tiến công địch giải phóng Bát Xát ngày 4/11/1950, sau đó tiến quân sang giải phóng huyện Mường Khương ngày 11/11/1950.

Ngày 16/11/1950, hàng vạn Nhân dân các nơi trong tỉnh tập trung về thị xã Lào Cai hân hoan dự lễ mừng chiến thắng. Ủy ban Hành chính kháng chiến của tỉnh ra mắt Nhân dân.

Ngày 27/11/1950, Bác Hồ gửi thư khen ngợi đồng bào Lào Cai và gửi thư khen ngợi chiến sỹ, cán bộ Lào Cai. Ngày 12/11 giải phóng Phong Thổ. Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II đã hoàn toàn thắng lợi.

Tỉnh Lào Cai được giải phóng đã chấm dứt 64 năm Nhân dân các dân tộc Lào Cai chịu cảnh áp bức đô hộ của thực dân Pháp, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở Tây Bắc và khai thông hàng trăm km đường biên giới phía Tây Bắc với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn chủ động phản công. Sự kiện này là một mốc son lịch sử tô thắm truyền thống đấu tranh anh dũng; khẳng định ý chí độc lập dân tộc, tinh thần đoàn kết đấu tranh, lòng yêu quê hương đất nước, luôn hướng về cách mạng, về Đảng và Bác Hồ kính yêu của Nhân dân các dân tộc Lào Cai.

Chiến dịch Lê Hồng Phong II trên hướng Tây Bắc với việc giải phóng hoàn toàn tỉnh Lào Cai cùng với thắng lợi trong đợt I của chiến dịch với việc giải phóng Phố Lu, Nghĩa Đô tháng 2/1950 và ba lá thư Bác Hồ gửi khen ngợi đồng bào, chiến sỹ, cán bộ Lào Cai trong hai đợt của chiến dịch mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, của toàn quân và Nhân dân các dân tộc Lào Cai.

Thành phố Lào Cai hôm nay.

Phát huy truyền thống, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã nỗ lực vượt lên những khó khăn, thách thức; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; chủ động, tích cực, sáng tạo, trên cơ sở xác định đúng chiến lược phát triển, lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, Lào Cai hôm nay khoác trên mình chiếc áo mới. Bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong tỉnh được nâng lên. Vị thế của Lào Cai được khẳng định. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 30 năm tái lập tỉnh (1991 – 2020, tháng 10 năm 1991 tái lập tỉnh) đạt 10,4%/năm. Riêng giai đoạn 2015 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 9,08 %, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của Lào Cai chỉ đạt 6,31% (thuộc nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao nhất trong vùng và cả nước). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng từ 15,92% (năm 1991) tăng lên 45,3% (năm 2020), dịch vụ từ 22,37% (năm 1991) tăng lên 42,5% (năm 2020), ngành nông lâm nghiệp từ 61,71% (1991) giảm còn 12,2% (2020).

Lào Cai đã và đang ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa như: Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của Lào Cai phát triển mạnh mẽ mà còn được ví là trục “Kinh tế xương sống” cho cả khu vực Tây Bắc, không chỉ kết nối các vùng kinh tế trong nước mà còn kết nối quốc tế; tiếp tục đề xuất đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2 (mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe); Cảng hàng không Sa Pa; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp, cải tạo tuyến đường thủy nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai) dài khoảng 166km đạt cấp IV; xây dựng thêm một cây cầu biên giới tại khu vực cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát… Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa và các dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Với phương châm "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển", tỉnh Lào Cai đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với Lào Cai. Những dự án nghìn tỷ được đầu tư vào Lào Cai đã tạo thêm động lực cho kinh tế phát triển. Đáng chú ý năm 2019, 6,3 tỉ USD đã được các nhà đầu tư cam kết đầu tư vào Lào Cai trong giai đoạn tới.

Kết cấu hạ tầng, đô thị được đầu tư, phát triển khá. Hình thành khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường là sản phẩm của tầm nhìn và sự sáng tạo; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực tại thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bảo Thắng; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Đường bộ số 2 (Kim Thành) và khu cửa khẩu Bản Vược là cơ sở cho mở rộng giao thương với nước bạn. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khánh thành tháng 9/2014. Thành lập thị xã Sa Pa; mở rộng và hoàn thiện các tiêu chí thành phố Lào Cai là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 26%.

Giáo dục - đào tạo được quan tâm đổi mới, phát triển. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở lên học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề đạt 80%. 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được sắp xếp phù hợp. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư. Trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt 62,5%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%. Chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng còn 18%. Số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 12,3%; giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 41,1%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,2% bảo đảm duy trì mức sinh thay thế. 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% thôn có điện lưới quốc gia, 97% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được xóa nhà tạm. Diện mạo khu vực nông thôn thay đổi nhanh. Toàn tỉnh có 61/127 xã hoàn thành nông thôn mới bằng 48,03% tổng số xã. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, luôn chủ động trong mọi tình huống. An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khối đại đoàn kết không ngừng được củng cố. Với những kết quả đó, Lào Cai khẳng định được vị trí địa kinh tế, địa chính trị trọng yếu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cầu nối với thị trường Tây Nam (Trung Quốc), các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong cả nước, vùng du lịch Tây Bắc và quan hệ kinh tế đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  (PCI) năm 2011 đứng ở vị trí số 1 và nhiều năm thuộc Top cao của cả nước.

Đạt được kết quả trên là do Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Lào Cai đã chọn đúng vấn đề, biết tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và biết huy động nguồn lực để khai thác tiềm năng lợi thế so sánh. Lào Cai đã xác định vùng cao, vùng nông thôn là mặt trận quan trọng, tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Trong suốt chiều dài 30 năm tái lập tỉnh, hằng năm, tỉnh Lào Cai đã dành từ 60% đến 70% tổng số vốn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước do địa phương quản lý để đầu tư cho vùng nông thôn, vùng dân tộc, cho chương trình xóa đói giảm nghèo và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 71 năm kể từ khi được hoàn toàn giải phóng, các thế hệ người dân Lào Cai luôn dốc sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.

* Tài liệu tham khảo cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947 - 2007)” và một số tài liệu sưu tầm.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết