
Thành phố Lào Cai hôm nay.
Từ những con số biết nói
Năm 2018, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Tỉnh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; 25/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,23% (là năm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, gấp đôi so với cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc). Trong đó, nông lâm thủy sản tăng 5,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,13%; dịch vụ tăng 7,72%; thuế sản phẩm tăng 4,97%. Duy trì cơ cấu kinh tế tích cực, hợp lý với tỷ trọng trong tổng GRDP: ngành công nghiệp - xây dựng 44,29%; dịch vụ chiếm 42,64%; nông nghiệp 13,07%.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 29.043 tỷ đồng, tăng 16,7% so năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sắt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị hàng hóa XNK năm đạt 3 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm trước. Hoạt động du lịch duy trì tăng trưởng, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2018 đạt 4.247.000 lượt, tăng 21,2% so năm trước, tổng doanh thu du lịch đạt 13.406 tỷ đồng, tăng 42% so năm 2017.
Trong năm 2018, có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch 1 xã. Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt, đạt 8.368 tỷ đồng. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư; tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động; toàn tỉnh giảm 8.400 hộ nghèo (tăng 311 hộ so với năm 2017)... Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, giải quyết đơn, thư được chú trọng thực hiện...
Đến kịch bản tăng trưởng
Dự báo trong năm 2019, mặc dù tỉnh Lào Cai vẫn còn một số khó khăn, thách thức như về vốn, hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện để đáp ứng được yêu cầu phát triển; song bên cạnh đó cũng có nhiều thuận lợi, đặc biệt là việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế hiện có của tỉnh như: Là cửa ngõ giao lưu quốc tế trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; cầu nối Việt Nam và thị trường tự do ASEAN với Trung Quốc; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; quần thể du lịch Sa Pa gắn với du lịch tâm linh, các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã hoàn thành và đi vào hoạt động; hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chính ngày càng gia tăng và phát triển… tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế - xã hội, xuất nhập khẩu, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến năm 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt khoảng 10,5-11%, cao hơn so với kế hoạch năm 2019 đã giao (trên 10%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5-5,2%/năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,8-12,3%/năm, khu vực dịch vụ tăng 10,8-11,5%/năm.
Khi đó, một số chỉ tiêu kinh tế sẽ phấn đấu đạt vượt mức kế hoạch đã giao như: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng thêm 390 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng thêm 700 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch tăng thêm 200.000 lượt và doanh thu du lịch cần tăng thêm 1.800 tỷ đồng so kế hoạch 2019 đã giao. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai quyết tâm thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt mức 10.000 tỷ đồng năm 2019 (tăng 19,5% so năm 2018) nên đi kèm với đó sẽ cần có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển để đạt được mức thu ngân sách như trên.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể:
Một là, Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế trong các lĩnh vực: nông nghiệp cần chú trọng gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp, hình thành nên sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương; trong phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch đảm bảo cho các dòng lưu chuyển hàng hóa ổn định, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của tỉnh. Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; tập trung phát triển du lịch tại Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bát Xát...
Hai là, Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: tỉnh tập trung triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện các quy hoạch phân khu chức năng trong Khu Kinh tế cửa khẩu; rà soát hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch xây dựng; xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai. Nghiên cứu xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh gắn với trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
Ba là, Khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư với trọng tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng giữa các sở, ngành, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp. Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước từ các doanh nghiệp trên địa bàn, trong dân cư và tỉnh ngoài; tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn của tỉnh; đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả thông qua việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đầu mối tại Bộ, Ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics...
Bốn là, Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển thông qua việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, tập trung cải thiện chất lượng từng chỉ số thành phần của Chỉ số PCI; triển khai hiệu quả Chỉ số DCI; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực: đất đai, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, BHXH theo hướng tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững thành phần kinh tế tập thể gắn với liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng, xây dựng nông thôn mới.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết