Laocaitv.vn - Lào Cai là địa bàn sinh sống của 25 dân tộc anh em, cùng dựng xây một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Mỗi dân tộc, mỗi bản làng lại chứa đựng những kho tàng văn hoá truyền thống độc đáo. Chính vì vậy, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp khơi nguồn sức mạnh lớn lao. Đó là nền tảng vững bền để Lào Cai tiếp tục vươn lên trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Người Thu Lao giữ nhạc cụ truyền thống
Cây đàn tròn luôn được nghệ nhân Vàng Sín Phìn, thôn Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai treo ở nơi trang trọng trong nhà. Mỗi dịp lễ Tết, hội hè, thanh âm dặt dìu này lại được vang lên khắp làng trên xóm dưới. Ông Phìn đã lặn lội đi mỗi phiên chợ, tự tay tìm được chiếc đàn tốt nhất, âm thanh trong trẻo nhất để tạo nên một bản hòa ca dung dị của người Thu Lao, Si Ma Cai. Nghệ nhân Vàng Sín Phìn nói: “Cái âm nhạc của Thu Lao rất đặc biệt. Thế nên mình phải cố gắng giữ lại, cái nào hỏng mình cũng vẫn giữ. Những người làm được cái đàn này thì đã chết cả rồi, sau này mình sẽ phải học để mình tự làm cho bằng được”
Trăn trở của nghệ nhân Vàng Sín Phìn cũng là tiếng lòng của nhiều người đam mê văn hóa dân tộc khi luôn canh cánh nỗi lo bản sắc văn hóa bị mai một, không có thế hệ tiếp nối. Những trăn trở ấy đã được từng bước tháo gỡ bằng việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, bằng những chính sách của địa phương và cả tâm huyết của những người truyền lửa. Ông Dương Tuấn Nghĩa- Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai- cho biết: “Chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những di sản đang có nguy cơ mai một để thực hiện công tác bảo tồn gắn với phát triển. Mục đích cuối cùng là để mang lại lợi ích cho cộng đồng, bởi cộng đồng là chủ nhân của các loại hình di sản văn hóa”.
Biến di sản thành tài sản
Suốt những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã quan tâm tới phát triển bền vững bằng việc xây dựng và ban hành các chương trình, đề án trọng tâm toàn khoá. Trong đó luôn dành những đề án riêng cho lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến xây dựng, phát triển văn hóa - con người. Để để đến hôm nay, đất Lào Cai, trời Lào Cai và cả con người Lào Cai đã đổi thay, đi lên. Ông Đồng Duy Ngư- Thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng- chia sẻ: “Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tôi thấy con người đã thay đổi rất nhiều. Con người cũng thông minh sáng suốt ra, biết làm ăn, người dân cũng rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, để tiếp tục đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành 2 đề án riêng và các đề án liên quan về phát triển văn hoá, con người. Mới đây, ngày 27/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã khẳng định quyết tâm và mục tiêu phát triển bền vững ấy. Đồng chí Dương Đức Huy, ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Để Lào Cai phát triển như ngày hôm nay, các cấp uỷ đảng chính quyền đã biết phát huy sức mạnh của văn hoá, coi văn hoá là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển kinh tế- xã hội, biến di sản thành tài sản, lấy văn hoá để phát triển du lịch; khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong mỗi người dân, khơi dậy khát vọng đồng lòng vì một Lào cai giàu mạnh.”
Ngày 24/11, Hội nghị văn hóa Toàn quốc năm 2021 đã diễn ra. Với những nội dung quan trọng, Hội nghị sẽ là cơ sở, là kim chỉ nam để Lào Cai tiếp phát triển văn hóa, con người, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết