Laocaitv.vn - Cứu hộ giao thông được xem là nghề đặc thù và tiềm ẩn nhiều vất vả. Vậy nên với những người làm nghề, lựa chọn công việc này cũng đồng nghĩa phải chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Vì đam mê và mong muốn được giúp đỡ người và các phương tiện bị nạn hoặc gặp sự cố, nhiều người sẵn sàng lên đường khi người bị nạn cần sự trợ giúp.
Gắn bó với nghề cứu hộ giao thông đã hơn 10 năm, mỗi ngày anh Vũ Hải Dương, đơn vị Cứu hộ giao thông Sơn Nhung Lào Cai nhận được từ 5 đến 6 cuộc gọi cần cứu hộ xe. Từng là nạn nhân trên xa lộ, hiểu nỗi lo và sự cấp thiết khi có người và phương tiện gặp nạn, điều này đã khiến anh Dương quyết định gắn bó với nghề. Anh Dương chia sẻ: “Có một lần đi đường xa bị hỏng xe giữa đường, gọi cứu hộ rất khó khăn nên mình nảy ra ý định là đầu tư mảng cứu hộ này. Mình đam mê nghề, mình yêu xe và mình cũng mong muốn là có thể giúp đỡ mọi người tham gia giao thông”.
Anh Dương tham gia cứu hộ một chiếc xe ô tô bị hỏng.
Cứu hộ giao thông đòi hỏi những nhân viên trong nghề phải hiểu biết sâu về các loại xe để bắt đúng bệnh. Đồng thời họ phải có khả năng phán đoán nhanh, bản lĩnh, sự tự tin và quyết đoán trong xử lý những tình huống cụ thể. Anh Dương cho biết thêm: “Buổi đêm, nhất là trời mưa gió thì những cuộc gọi về đêm lúc 2 đến 3h sáng là chuyện bình thường. Nhiều lần cứu hộ khiến mình ám ảnh, bởi vì địa hình khó, thời tiết mưa gió, bên mình đã mất rất nhiều thời gian và đưa ra rất nhiều phương án mới có thể đưa được chiếc xe ra khỏi vị trí tai nạn”.
Cứu hộ giao thông là nghề tiềm ẩn nhiều vất vả.
Với những người làm nghề cứu hộ giao thông, đây không chỉ đơn thuần là công việc để có thu nhập, mà với họ, nghề này sẽ giúp ích cho những người không may gặp tai nạn hoặc sự cố giao thông.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Đang đi trên đường thì xe của mình bị hỏng, may mà mình gọi được cứu hộ, họ xử lý cho chứ là phụ nữ mình cũng không biết làm thế nào”.
Sửa chữa những chiếc xe bị hư hỏng khi tham gia giao thông.
Anh Phạm Văn Cảnh, nhân viên cứu hộ giao thông Lào Cai bày tỏ về nghề: “Thu nhập khoảng 9 - 10 triệu/tháng. Những vụ mà thấy xe tai nạn, mình chỉ thấy thương xót cho người ta thôi. Nói chung phải có đam mê mới làm được nghề cứu hộ này. Kéo xe, sửa xe cho khách thì khách cũng cảm ơn thì đó là một niềm vui của nghề cứu hộ rồi”.
Vương Mây - Tuấn Linh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết