Laocaitv.vn - Dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, thế nhưng, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn phải đảm bảo trong điều kiện đáp ứng được các yêu cầu về an toàn phòng dịch. Hiện đang vào thời điểm bà con thu hái chè xuân. Dù chưa xuất khẩu được chè khô nhưng Công ty cổ phần chè Phong Hải Lào Cai vẫn tổ chức thu mua chè búp, chế biến và giữ vùng nguyên liệu phát triển.

Nông dân thu hái chè xuân và đảm bảo an toàn phòng dịch.
Chè đang vào vụ, thay cho việc bà con trong thôn đổi công cho nhau như những năm trước, giờ đây, gia đình chị Đào Thị Mơ ở thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm tự thu hái chè, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách đầy đủ. Đây cũng là cách để gia đình thực hiện phòng bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Chị Đào Thị Mơ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Do dịch Covid-19 nên làm ảnh hưởng đến năng suất và giá thành cây chè. Thời điểm này, chúng tôi thu hoạch nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách thu hái chè, mỗi người thực hiện một luống riêng, đảm bảo đúng quy định".
Hầu hết các diện tích chè của Lào Cai, nông dân đang hái lứa chè xuân. Là lứa chè đầu, thường xuyên được giá nhưng hiện ở tất cả các khu vực, giá chè đều thấp hơn so với năm trước từ 1 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không vì dịch bệnh, giá chè thấp mà nông dân bỏ chè. Vừa hái xong 3 tạ chè, anh Lý A Xuân ở thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm thực hiện bón phân ngay để cây chè phát triển. Anh Lý A Xuân, thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết: "Bỏ thì không được, đợi khi nào ổn định sẽ bán được cao hơn. Bao nhiều năm trồng rồi, bây giờ mà phá đi thì tiếc quá, bao nhiêu năm mới trồng được, không có gì làm. Giá nó không được như mong muốn. Buồn thì cũng phải chịu, mong sao vượt qua đợt này, giá lên để chúng tôi yên tâm sản xuất".

Doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Lứa chè xuân dù chưa đến kỳ rộ nhưng việc thu mua, tổ chức sao sấy vẫn được tiến hành. Từ đầu vụ đến nay, Công ty cổ phần chè Phong Hải Lào Cai đã sản xuất được 25 tấn chè búp khô và hiện vẫn được bảo quản trong kho. Vấn đề được công ty ưu tiên số 1 là đảm bảo chất lượng chè để có thể lưu kho thời gian dài hơn, khi có điều kiện thì có thể xuất bán ngay.
Sẽ còn rất nhiều khó khăn khi mà dịch bệnh chưa được kiểm soát và chè khô chưa xuất khẩu được. Trước mắt, các công ty chè mong muốn sớm nhận được gói hỗ trợ từ Nhà nước để đảm bảo nguồn vốn mua chè búp tươi và trả tiền đúng kỳ hạn cho nông dân. Việc này vừa giúp doanh nghiệp có vốn quay vòng, đảm bảo sản xuất vừa giữ được vùng nguyên liệu chè rộng lớn gần 6.000 ha chè của tỉnh và đảm bảo ổn định thu nhập cho bà con nông dân.
Ngọc Hà – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết