Laocaitv.vn - Tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể, mỗi địa phương đã có những cách làm rất thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt thời gian qua, việc thay đổi tập quán để Nhân dân chủ động phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ then chốt được các địa phương tập trung đẩy mạnh. Ghi nhận tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Khu đồi gần 400 gốc hồng không hạt 3 năm tuổi của gia đình nông dân Nguyễn Văn Năm, thôn Lỵ 2-3, xã Cam Cọn từng là đồi sắn bạc màu. Để mô hình thành công ông Năm đã chịu khó tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật cũng như nắm vững đặc tính của loại cây trồng này.

Ông Năm chăm sóc vườn hồng không hạt.
“Tôi đến Tân Thượng nhìn thấy người ta trồng hồng về cũng quyết định trồng. Cây hồng này rất dễ trồng, nhưng tôi cũng phải suốt ngày chăm sóc, xem nguồn nước và quan trọng là phải chọn được giống thật chuẩn”, ông Năm chia sẻ.
Ở thôn Lỵ 2-3 hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô hàng hóa. Tại mỗi hộ gia đình, thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ là những mô hình nuôi gà, nuôi vịt với quy mô hàng trăm con hay bạt ngàn nương quế, đồi bưởi, đồi cam đang bói quả… Điều đáng nói là người dân nơi đây hoàn toàn chủ động trong việc tìm hướng xóa đói giảm nghèo, mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt cũng như sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm trong sản xuất để cùng phát triển.
“Trước kia mỗi nhà nuôi nhỏ lẻ vài con gà, con vịt để cải thiện cuộc sống thôi vì không có vốn. Bây giờ có chút vốn tôi mở rộng quy mô hơn. Tôi cũng theo dõi các chương trình khởi nghiệp, các chương trình hướng dẫn trên ti vi để học hỏi kinh nghiệm nên giờ chăn nuôi cũng đỡ bệnh tật hơn”, bà Trần Thị Bướm, thôn Lỵ 2-3, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết.

Vườn bưởi sắp cho thu hoạch của nông dân xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
Đến năm 2025, xã Cam Cọn phấn đấu thu nhập bình quân trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt 90 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu này thì sự chủ động, tích cực của người dân là yếu tố quyết định. Địa phương có chủ trương hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo ở một số thôn khác về cây giống, phân bón, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa.
“Người dân là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ tổ chức thêm những buổi tham quan, học hỏi để cho người nông dân được đi, được biết, được thấy. Từ đó, họ sẽ chủ động hơn, tích cực hơn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết.
Khi nhận thức của người dân được chuyển biến, chính quyền đồng hành, hỗ trợ cùng bà con phát triển thì diện mạo mỗi vùng quê sẽ thêm khởi sắc. Đây cũng là điều kiện để bà con tin tưởng vào những hướng đi mới, mở ra tương lai phát triển cho mảnh đất trù phú ven sông.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết