Laocaitv.vn - Thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn lực, Văn Bàn trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo từ chương trình chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Laocaitv.vn - Thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, lồng ghép các nguồn lực, Văn Bàn trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo từ chương trình chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Mô hình trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Khánh Yên Thượng.
Trước kia, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Dương Xuân Trong ở xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn được dùng để trồng ngô, mỗi năm chỉ thu nhập được hơn 1 triệu đồng. Cuối năm 2020, ông Trong chuyển đổi sang trồng giống ớt Mường Khương. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, cây ớt lại phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. "Trồng ớt có năng suất, hiệu quả kinh tế hơn so với cây ngô, cây lúa, và tôi thấy rất phù hợp với chất đất của địa phương. Đặc biệt, khi ớt làm ra sản phẩm là có chỗ tiêu thụ và sản xuất luôn ở cơ sở xã Khánh Yên Thượng", ông Dương Xuân Trong cho biết.
Hiện tại, xã Khánh Yên Thượng có khoảng 10 ha trồng ớt. Cùng với việc mở rộng diện tích, địa phương cũng đẩy mạnh việc gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, tương ớt Nà Lộc là một trong các sản phẩm đạt OCOP ba sao của huyện Văn Bàn, được thị trường ưa chuộng, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong xã. "Hiệu qủa của cây trồng mới này thì cao hơn so với cây lúa, cây ngô, cây sắn từ 3 - 4 lần. Bà con rất phấn khởi, thu nhập tăng lên thì bà con cũng rất tích cực, chủ động và cũng muốn mở rộng diện tích đối với các cây trồng mà xã đã tích cực chỉ đạo trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo bà con Nhân dân trong xã phát triển kinh tế chăn nuôi theo mô hình gia trại", bà Nguyễn Thị Trâm, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn nói.
Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho nông dân huyện Văn Bàn.
Theo thống kê, hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Văn Bàn còn 9,5%. Thành quả này có sự góp sức tích cực từ chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Công tác giảm nghèo được huyện Văn Bàn cụ thể hóa bằng những đề án chi tiết, trong đó, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Kết quả này là cả quá trình cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện Văn Bàn trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp để góp phần xóa đói, giảm nghèo.
An Hồng - Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết