Laocaitv.vn - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu mua bán Online, giao hàng tại nhà tăng cao. Điều này khiến dịch vụ vận chuyển hàng hóa nở rộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, không ít đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển phát đang phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực.
Dịch vụ vận chuyển J&T Vnxpess có 3 bưu cực tại thành phố Lào Cai. Trung bình mỗi ngày công ty này tiếp nhận trên 5.000 đơn hàng. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, shipper - người vận chuyển hàng hóa của đơn vị chỉ còn lại một nửa. Một phần do số nhân viên giao hàng bị mắc Covid-19 chưa thể quay lại làm việc, một số lại chủ động nghỉ việc do lo ngại về dịch bệnh. Anh Trương Ngọc Hoàng, quản lý khu vực thành phố Lào Cai J&T Vnxpess cho biết: "Các bạn giao hàng là F0, F1 nên nghỉ khá nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc của đơn vị."
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiếu nhân lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa đều đang đối mặt với bài toán thiếu nhân viên giao hàng. Mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách tuyển dụng, tuy nhiên lao động vẫn không mấy mặn mà với công việc này. Anh Bùi Đức Anh, nhân viên giao hàng Công ty Giao hàng tiếp kiệm Chi nhánh Lào Cai cho biết: "Lượng hàng nhiều, không đủ nhân viên giao, chúng tôi tăng cường hỗ trợ để đi giao cho đủ, kịp thời, đảm bảo quy trình vận hành. Rất nhiều gia đình có F0, khi tiếp xúc chúng tôi giữ khoảng cach an toàn."
Do thiếu lao động, nhiều đơn vị buộc phải chủ động điều tiết cắt giảm lượng đơn hàng, đóng tuyến. Tuy nhiên, việc ùn ứ vẫn khó tránh khỏi, nhiều đơn hàng giao cho khách bị chậm trễ. Anh Trương Ngọc Hoàng, quản lý khu vực thành phố Lào Cai J&T Vnxpess cho biết thêm: "Có vài giai đoạn xảy ra ùn ứ, chúng tôi đã có phương án trao đổi với đơn vị, trao đổi với khách hàng để cả người nhận, người gửi hết sức thông cảm."
Trung bình mỗi ngày một nhân viên giao hàng tại thành phố Lào Cai có thể giao được từ 70-90 đơn hàng, với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/ tháng. Đây được xem là mức thu nhập khá cao nếu so với nhiều ngành nghề lao động phổ thông khác. Tuy nhiên, với nỗi lo dịch bệnh, nhiều người vẫn e ngại làm công việc vất vả, nhiều nguy cơ này./.
Trung Kiên- Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết